Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

Các hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp

{toc} $title={Xem nhanh}

 I. Khái niệm cơ bản về chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thuế CBPG/CTC

Hành vi phá giá, trợ cấp được coi là thương mại không lành mạnh do bóp méo cạnh tranh bằng cách bán phá giá và/hoặc bán hàng được trợ cấp tại thị trường nước ngoài, gây thiệt hại đến nền kinh tế nước nhập khẩu, do đó, đã được một số nước điều chỉnh thông qua luật CBPG, CTC từ đầu những năm 1900.[1] Các biện pháp CBPG/CTC được sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước (của nước nhập khẩu) thông qua việc áp thuế CBPG/ CTC (như là một biện pháp để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu) đã trở thành biện pháp hữu hiệu và phổ biến cho các nước nhập khẩu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu đặc biệt trong thời gian gần đây khi xu hướng tự do hoá thương mại ngày càng gia tăng. Ở cấp độ quốc tế, các quy định điều chỉnh vấn đề CBPG/CTC được quy định tại Điều VI Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 và Hiệp định Thực thi Điều VI của GATT 1994- còn gọi là Hiệp định Chống bán phá giá- Antidumping Agreement- ADA, Hiệp định về các biện pháp Trợ cấp và đối kháng (Subsidy and Countervailing measures Agreement- SCMA).

- Phá giá: hành vi bán hàng hóa ở trong nước với giá cao hơn giá khi xuất khẩu. Theo WTO (Điều VI:1 của GATT 1994 và Điều 2.1 Hiệp định ADA), “phá giá” được định nghĩa là khi sản phẩm của một nước được bán tại một nước khác (giá xuất khẩu) với giá thấp hơn trị giá thông thường của sản phẩm tương tự (giá bán tại thị trường trong nước) (tức là giá xuất khẩu < giá bán nội địa), trong điều kiện thương mại thông thường. Điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là: có hành vi phá giá; gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất đã hình thành tại nước nhập khẩu hoặc gây cản trở đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất nước nhập khẩu và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phá giá và thiệt hại bị cáo buộc.[2]

- Trợ cấp: theo Hiệp định SCM (WTO), trợ cấp được hiểu là bất kỳ hỗ trợ tài chính nào của Nhà nước hoặc một tổ chức công (trung ương hoặc địa phương) mang lại lợi ích cho doanh nghiệp/ngành sản xuất:

(i) Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền chuyển ngay (ví dụ cấp vốn, cho vay, góp cổ phần) hoặc hứa chuyển (ví dụ bảo lãnh cho các khoản vay);

(ii) Miễn hoặc cho qua những khoản thu lẽ ra phải đóng (ví dụ ưu đãi thuế, tín dụng);

(iii) Mua hàng, cung cấp các dịch vụ hoặc hàng hoá (trừ hạ tầng kỹ thuật chung);

(iv) Thanh toán tiền cho một nhà tài trợ hoặc giao cho một đơn vị tư nhân tiến hành các hoạt động (i), (ii), (iii) nêu trên theo cách thức mà Chính phủ vẫn làm.

Các khoản hỗ trợ này được hiểu là mang lại lợi ích cho đối tượng được hưởng hỗ trợ nếu nó được thực hiện theo cách mà một nhà đầu tư tư nhân, một ngân hàng thương mại…bình thường sẽ không khi nào làm như vậy (vì đi ngược lại những tính toán thương mại thông thường).

Áp dụng biện pháp chống trợ cấp (còn gọi là biện pháp đối kháng) mà nước nhập khẩu tiến hành đối với một loại hàng hoá nhập khẩu từ một nước nhất định khi có những nghi ngờ rằng hàng hoá được trợ cấp, trợ cấp đó là riêng biệt và gây thiệt hại/đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu.

Tóm lại, biện pháp CBPG/CTC là biện pháp áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu khi sản phẩm nhập khẩu bán phá giá và/hoặc nhận trợ cấp từ Chính phủ nước xuất khẩu và gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu và nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu.

Hành vi phá giá và trợ cấp không phải bị cấm theo quy định của WTO, và chỉ bị áp thuế nếu gây thiệt hại cho ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Quy định của WTO nhằm hạn chế việc các nước lạm dụng việc áp dụng các biện pháp CBPG, CTC. Tuy nhiên, số liệu ngày càng gia tăng của các biện pháp này (5.529 vụ CBPG[3] và 486 vụ CTC[4]) (lưu ý: số liệu vụ việc này được tính theo phương thức nếu trong một vụ việc có nhiều nước bị điều tra, số vụ việc sẽ được tính bằng số nước bị điều tra, do đó số liệu vụ việc điều tra trên thực tế sẽ thấp hơn con số này) cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các công cụ này trong thương mại quốc tế. Có hai lý do chính lý giải cho hiện tượng này là: (1) việc mở cửa thị trường khiến các hàng rào thuế quan ngày càng được hạ thấp và dỡ bỏ khiến lượng hàng nhập khẩu sẽ có xu hướng gia tăng, các biện pháp phi thuế quan (hạn ngạch, thủ tục hải quan…) giảm mạnh, (2) bên cạnh đó, biện pháp CBPG, CTC được WTO cho phép nhằm khắc phục những thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước, do đó, biện pháp CBPG, CTC là một vũ khí hiệu quả để bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Biện pháp CBPG, CTC có thể được áp dưới dạng: thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc cam kết.

Ở chiều ngược lại, đối với các nhà xuất khẩu và nước xuất khẩu, khi hàng hóa xuất khẩu của họ gia tăng, họ càng phải đối mặt với áp lực, nguy cơ bị kiện CBPG, CTC.

- Lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp: có thể được hiểu là hành vi lẩn tránh nguồn gốc hàng hóa đang bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp CBPG và/hoặc CTC nhằm lẩn tránh thuế CBPG/CTC, gây trở ngại trong việc thực thi đối với cơ quan hải quan của nước nhập khẩu.

‘Lẩn tránh’ là ‘tìm cách để tránh một quy định hoặc một sự khó khăn’[5]. Theo đó, lẩn tránh thể hiện một tình huống là tìm cách đạt được tình trạng tốt hơn thông qua gian lận hoặc thủ thuật nào đó.[6] Thuật ngữ ‘lẩn tránh’ do đó liên quan đến hành vi thực hiện nhằm mục đích lẩn tránh.

Khi hàng hóa xuất khẩu là đối tượng áp thuế CBPG/CTC thì các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài thường cố gắng làm giảm thiểu tác động tiêu cực của biện pháp đối với hoạt động thương mại của doanh nghiệp thông qua hành vi lẩn tránh các biện pháp CBPG/CTC (gọi ngắn gọn là lẩn tránh thuế).

Hành vi lẩn tránh thuế có thể thông qua việc thay đổi hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp CBPG/CTC hoặc chuyển toàn bộ hay một phần quá trình sản xuất/gia công của sản phẩm đó từ nước đang bị áp thuế CBPG/CTC (nước xuất khẩu) đến các thị trường khác bên cạnh thị trường của nước xuất khẩu, hoặc tìm mọi cách để phá vỡ hoặc lẩn tránh biện pháp này.

Tóm lại, hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC sẽ làm giảm hoặc triệt tiêu hiệu quả của việc áp dụng biện pháp CBPG/CTC nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu.

- Biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp: Các biện pháp để ứng phó với hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC (gọi ngắn gọn là biện pháp chống lẩn tránh thuế) đã được cơ quan có thẩm quyền các nước điều chỉnh tại các văn bản pháp luật và áp dụng trên thực tiễn thông qua các vụ việc điều tra. Biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC là biện pháp sử dụng để chống lại hoặc loại bỏ tác động tiêu cực của các hành vi cố ý lẩn tránh biện pháp CBPG/CTC mà nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài thực hiện dưới các hình thức khác nhau. Bản chất của biện pháp này nhằm mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp CBPG/CTC để bao gồm thêm không chỉ các sản phẩm đã bị điều tra trong vụ kiện gốc (vụ kiện ban đầu) mà cả những sản phẩm gần giống của doanh nghiệp xuất khẩu bị đơn hoặc các sản phẩm tương tự nhưng có nguồn gốc xuất xứ từ các nước xuất khẩu khác.

Vấn đề lẩn tránh thuế CBPG/CTC và biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC là vấn đề tương đối mới, phức tạp. Hiện nay, một số nước có quy định pháp luật (nội luật) và đã thực thi áp dụng luật này. Tuy nhiên, hiện tại WTO không có quy định riêng về hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC và các biện pháp chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC. ADA và SCMA cũng không quy định cụ thể về vấn đề biện pháp lẩn tránh thuế CBPG/CTC và chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Trong vòng đàm phán Uruguay, các bên đã đưa ra được một bản dự thảo sửa đổi Đạo luật Chống bán phá giá 1979 (Antidumping Code) thông qua Dự thảo Dunkel về Đạo luật cuối cùng (Dunkel Draft Final Act) để cho phép có một số biện pháp làm ngăn chặn việc lẩn tránh thuế CBPG với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, sau đó Quyết định của các Bộ trưởng (Ministerial Decision)[7] được thông qua vào cuối vòng đàm phán đã thay thế quy định chống lẩn tránh thuế trong dự thảo nói trên. Quyết định Bộ trưởng này nhấn mạnh rằng do không thống nhất được việc đưa ra các quy định chống lẩn tránh thuế tại ADA trong vòng đàm phán Uruguay, các thành viên WTO cần phải nỗ lực để xử lý vấn đề lẩn tránh và chống lẩn tránh. Tuy nhiên, dù có quan ngại về vấn đề chống lẩn tránh như đã được thể hiện tại Quyết định của Bộ trưởng, cụm từ “lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá” sử dụng vẫn còn chưa rõ ràng vì thiếu định nghĩa về lẩn tránh hoặc phạm vi áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh. Do đó, có thể thấy việc xác định các hành vi lẩn tránh sẽ tùy thuộc vào nội luật của từng nước và giúp các thành viên WTO có thẩm quyền không hạn chế liên quan đến việc định nghĩa thuật ngữ ‘lẩn tránh’.

Nguyên tắc tương tự cũng được hiểu là áp dụng cho điều tra chống lẩn tránh thuế chống trợ cấp.[8]

II. Các hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp

2.1 Phân loại chung

Có rất nhiều cách để các nhà xuất khẩu của nước đang bị áp thuế thực hiện hành vi lẩn tránh thuế CBPG/CTC. Ví dụ, công ty X (của nước A) xuất khẩu sản phẩm Y sang nước B và bị nước B áp thuế CBPG/CTC, có thể phân thành 4 loại hành vi cơ bản sau:

Công ty X chuyển/xuất khẩu từng linh phụ kiện rời của sản phẩm Y sang chi nhánh của mình tại nước B (gọi là Công ty X-B), sau đó X-B lắp ráp mặt sản phẩm Y từ các linh phụ kiện nhập khẩu này. Trong trường hợp này, nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đối với linh phụ kiện lắp ráp sản phẩm Y vì linh phụ kiện không thể được xem là sản phẩm tương tự (like products) với sản phẩm Y do có các đặc điểm, tính chất vật lý khác nhau;

Công ty X xuất khẩu các linh phụ kiện rời của sản phẩm Y sang một công ty liên quan tại nước C (Công ty X-C). X-B sau đó nhập khẩu các linh phụ kiện từ X-C và tiến hành lắp ráp tại nước B. Trong trường hợp này, nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đối với sản phẩm Y do hàng hóa được sản xuất tại nước C không thuộc nhóm các nước/vùng lãnh thổ bị áp thuế của vụ việc điều tra CBPG/CTC (nước A);

Công ty X chuyển một phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm Y từ nước A sang nước B hoặc nước C để bán tại nước B hoặc xuất khẩu từ nước C sang nước B. Khác với hai trường hợp nêu trên, trường hợp này phức tạp hơn do các nhà sản xuất xuất khẩu lẩn tránh thuế thông qua di chuyển dây chuyền sản xuất nhằm thay đổi nguồn gốc xuất khẩu của hàng hóa, do đó nước B không thể áp thuế CBPG/CTC đang áp đối với hàng nhập từ nước C hoặc sản phẩm được sản xuất tại thị trường nội địa nước B.

Công ty X thay đổi một vài đặc tính không đáng kể của sản phẩm Y, nhằm tạo ra một mặt hàng mới (nhưng thực chất là biến thể của sản phẩm Y) và xuất khẩu sang nước B.

Nhìn chung, việc phân loại hành vi lẩn tránh có thể như sau[9]:

- Lẩn tránh đơn giản và lẩn tránh phức tạp (dựa trên mức độ phức tạp trong các phương pháp lẩn tránh được sử dụng).

Lẩn tránh đơn giản liên quan đến các phương pháp đơn giản do nhà xuất khẩu/nhà sản xuất sử dụng để lẩn tránh thuế, ví dụ chuyển tải, thông báo mã hải quan sai và các hình thức gian lận khác- hành vi này đã bị hầu hết các thành viên WTO coi là lẩn tránh.[10]

Ngược lại, lẩn tránh phức tạp bao gồm sửa đổi nhỏ, lẩn tránh thông qua nước thứ 3, sản phẩm phát triển sau (phiên bản sau) (later-developed product), thay đổi giá các dạng khác nhau của sản phẩm (fictious markets)…Hành vi lẩn tránh phức tạp này rất gây tranh cãi khi các thành viên WTO thảo luận về vấn đề lẩn tránh thuế do thường liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và do đó khó để phân biệt với hành vi thương mại thông thường hơn.

- Lẩn tránh liên quan đến sản phẩm, lẩn tránh liên quan đến nước.

Cách phân loại này liên quan đến hai yếu tố quan trọng trong một lệnh áp thuế CBPG/CTC.

Do thuế CBPG/CTC thường áp với một sản phẩm nhất định, theo quy định tại ADA, SCMA yêu cầu phải xác định có hành vi phá giá/trợ cấp và có thiệt hại đối với sản phẩm “tương tự” (like product) để kết luận về việc có cần thiết phải áp thuế CBPG/CTC hay không. Theo đó, sản phẩm tương tự là “một sản phẩm mà giống ở mọi khía cạnh với sản phẩm bị điều tra, hoặc, nếu không có sản phẩm nào như thế, thì là một sản phẩm khác mà mặc dù không giống ở mọi khía cạnh nhưng có các đặc điểm gần giống với sản phẩm bị điều tra.”[11] Một số hành vi lẩn tránh thuộc phân loại này vì liên quan đến phạm vi sản phẩm: (i) lẩn tránh side stream (lẩn tránh mà có sự sửa đổi hoặc thay đổi nhỏ với sản phẩm hoặc với sản phẩm phát triển sau này); (ii) lẩn tránh thượng nguồn (upstream), xảy ra khi nhà xuất khẩu/sản xuất xây dựng nhà máy lắp ráp ở nước nhập khẩu và vận chuyển các linh kiện chưa được lắp ráp của sản phẩm mà không bị áp thuế CBPG/CTC tới nhà máy này, sau đó lắp ráp tại nước nhập khẩu sử dụng các kỹ thuật, công nghệ rất cơ bản với rất ít trị giá gia tăng; (iii) và lẩn tránh hạ nguồn (downstream), xảy ra khi nhà xuất khẩu/sản xuất xuất khẩu sản phẩm có chứa linh kiện thuộc phạm vi áp thuế CBPG/CTC.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là vấn đề “nước cụ thể” hoặc “nhà sản xuất cụ thể”, ví dụ chuyển tải, lẩn tránh thông qua nước thứ ba và lẩn tránh qua hệ thống các công ty đa quốc gia (country-hopping) vv. Điều này xảy ra vì thuế CBPG/CTC được áp đối với một sản phẩm cụ thể từ một nước cụ thể [12], và ‘sản phẩm tương tự’ nếu được xuất khẩu từ nước khác (không thuộc nước bị điều tra) thì không bị áp thuế CBPG/CTC. Do đó, một số hành vi lẩn tránh liên quan đến việc chuyển đổi sang nước thứ 3. Một mặt, các hành vi này cũng liên quan đến quy tắc xuất xứ vì các sản phẩm có thể được thay đổi nhãn mác xuất xứ một cách dễ dàng nếu áp dụng quy tắc xuất xứ để chứng minh sản phẩm đó đáp ứng các quy tắc để được coi là có xuất xứ từ nước thứ 3. Điều này thậm chí có thể đúng trong trường hợp chỉ một bộ phận nhỏ của sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh là được lắp ráp, gia công tại nước thứ 3.[13] Vấn đề còn phức tạp hơn khi phải phân biệt rõ 2 khái niệm ‘nước xuất khẩu’ và ‘nước xuất xứ’ trong thương mại quốc tế. ADA quy định rằng một biện pháp CBPG chỉ áp dụng với sản phẩm từ một (số) nước xuất khẩu cụ thể chứ không áp với nước xuất xứ, và sẽ phải tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá mới nếu có sự thay đổi về nước xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm được thay đổi nhãn mác (được xuất khẩu sang nước thứ 3 để lấy xuất xứ từ nước này) sẽ không bị áp thuế CBPG theo lệnh áp thuế ban đầu (đang áp) do sản phẩm này không còn được xuất khẩu từ nước bị áp thuế, trừ phi khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá mới đối với nước thứ 3 này. SCMA cũng quy định[14] trong trường hợp sản phẩm không được nhập khẩu trực tiếp từ nước xuất xứ mà được xuất khẩu vào nước nhập khẩu từ một nước trung gian thì các quy định của SCMA sẽ áp dụng với nước trung gian này và nước nhập khẩu như giữa nước xuất xứ và nước nhập khẩu.

2.2 Các hình thức lẩn tránh cụ thể

2.2.1 Lẩn tránh đơn giản

(i) Chuyển tải: được sử dụng để lẩn tránh thuế CBPG/CTC đơn giản bằng cách chuyển sản phẩm tương tự mà đang bị áp thuế CBPG/CTC hoặc đang bị điều tra sang một nước thứ 3 để áp dụng quy tắc xuất xứ và lấy xuất xứ của nước thứ 3 này.[15] Sản phẩm chỉ đơn giản “ghé” qua, dừng chân ở nước thứ 3 và không được tiến hành bất kỳ sự gia công nào. Bên cạnh đó, sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh thuế thường là sản phẩm được lắp ráp hoặc là sản phẩm hoàn chỉnh. Do đó, rõ ràng là các sản phẩm được chuyển tải gần như là không được thay đổi tại nước thứ 3 trong toàn bộ quá trình.

 So sánh với các hành vi lẩn tránh khác, việc chuyển tải dễ bị phát hiện và dễ bị coi là vi phạm quy định của WTO và nội luật các nước vì theo các quy định này, dễ để chứng minh là việc chuyển tải được thực hiện để tránh thuế do không trải qua quá trình gia công lắp ráp đáng kể nào. Do đó, việc chuyển tải qua một nước thứ 3 không khiến cho sản phẩm thay đổi xuất xứ. Theo quy định của Điều 2.5 ADA, ‘..nếu …các sản phẩm chỉ được chuyển tải thông qua nước xuất khẩu, hoặc sản phẩm đó không được sản xuất ở nước xuất khẩu’, thì giá để tính toán khi so sánh giữa trị giá thông thường và giá xuất khẩu để xác định liệu có tồn tại phá giá hay không chính là giá tại nước xuất xứ chứ không phải giá tại nước xuất khẩu.

So sánh với các hành vi lẩn tránh phức tạp và đơn giản khác, chuyển tải là hành vi phổ biến nhất.

(ii) Khai sai hải quan và các phương thức gian lận khác: bao gồm một loạt các hành vi lẩn tránh như: khai sai xuất xứ hàng hoá, mô tả sản phẩm sai (sai về hải quan và trị giá hàng hoá) v v. Bên cạnh đó, các phương thức gian lận khác để phải trả ít hơn hoặc không phải trả thuế CBPG/CTC cũng thuộc diện này. Ví dụ, nhà xuất khẩu/sản xuất có thể dán nhãn lại hàng hoá để che giấu xuất xứ thực sự của hàng hoá.[16] Trên thực tế, có những nhà xuất khẩu/sản xuất thực hiện hành vi này do nhầm lẫn hoặc hiểu không đúng về quy định xuất xứ hoặc cách phân loại hàng hoá.[17] Tuy nhiên, cũng có những nhà xuất khẩu/sản xuất thực hiện với lý do lẩn tránh thuế, do đó, sẽ bị phạt (ví dụ theo luật hải quan). Tuy nhiên, do cũng khó để phân biệt được trường hợp nào là vô tình, trường hợp nào là cố ý nên nhà xuất khẩu/sản xuất gặp phải rủi ro cao là sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu thuộc trường hợp này.

2.2.2. Lẩn tránh phức tạp

Trên thực tế, nhà xuất khẩu/sản xuất có xu hướng thực hiện hành vi lẩn tránh phức tạp mặc dù mất thời gian và nguồn lực hơn, một phần vì hành vi này khó bị phát hiện hơn do cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khó có thể xác định được là hành vi này được thực hiện nhằm lẩn tránh thuế CBPG/CTC hay đơn giản chỉ là các hoạt động kinh doanh hợp pháp, bao gồm:

(i) Lẩn tránh thượng nguồn  (upstream) (sản phẩm đầu vào): thường xảy ra trong bối cảnh như sau: nhà xuất khẩu/sản xuất nước ngoài xây dựng nhà máy gia công lắp ráp ở nước nhập khẩu (nước áp thuế CBPG/CTC) và vận chuyển các linh kiện của sản phẩm (mà không thuộc đối tượng bị áp thuế CBPG/CTC) sang nước nhập khẩu sau khi có lệnh áp thuế CBPG/CTC hoặc sau khi sản phẩm bị điều tra CBPG/CTC. Sản phẩm sau đó được lắp ráp ở nước nhập khẩu và do đó có thể lẩn tránh thuế CBPG/CTC do sản phẩm cuối cùng có thể được coi là đã được sản xuất ở nước nhập khẩu.

Đây là phương thức lẩn tránh truyền thống nhất và được nhiều nước điều chỉnh trong nội luật của mình. Trong đó, có 4 yếu tố thường được xem xét để xác định có tồn tại hành vi hay không, bao gồm:

(i) liệu có tồn tại lệnh áp thuế CBPG/CTC đối với sản phẩm gốc hay không;

(ii) liệu phần lớn các linh kiện của sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh có được xuất khẩu từ nước đang bị áp thuế CBPG/CTC hay không. Để chứng minh vấn đề này, hoạt động gia công lắp ráp phải đáp ứng quy định về tỷ lệ phần trăm (ví dụ quy định của EU về tỷ lệ 60%) để kiểm tra xem sản phẩm bị nghi ngờ có phải là sản phẩm lắp ráp của sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế;

(iii) liệu trị giá gia tăng giữa sản phẩm bị nghi ngờ (sản phẩm lắp ráp) với các linh kiện nhập khẩu có nhỏ hay không (ví dụ quy định của EU nhỏ hơn 25% chi phí sản xuất thì được coi là nhỏ); và

(iv) liệu hoạt động lắp ráp này được bắt đầu hoặc gia tăng đáng kể sau, kể từ khi, hoặc ngay trước khi lệnh áp thuế được ban hành hay không.

Theo quy định của một số nước, thuế CBPG/CTC sẽ được mở rộng cho các linh kiện được nhập khẩu và lắp ráp thành sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế CBPG/CTC nếu các linh kiện này được nhập khẩu nhằm mục đích lẩn tránh thượng nguồn mà không phải thông qua một cuộc điều tra về hành vi phá giá/trợ cấp và thiệt hại. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khi áp biện pháp chống lẩn tránh với hành vi này là liệu quy định về chống lẩn tránh đó có vi phạm quy định hiện hành của ADA, SCMA hay không. Theo quy định hiện hành của WTO, thuế CBPG/CTC chỉ được áp trong các trường hợp được quy định theo Điều VI (thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng), Điều XVI (trợ cấp) của GATT 1994, và tuân thủ các quy định tại ADA, SCMA. Vụ việc CBPG/CTC ban đầu là nhắm đến sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) chứ không phải linh kiện, do đó nếu thuế CBPG/CTC được mở rộng cho các linh kiện (không thuộc phạm vi áp thuế như sản phẩm tương tự ban đầu) mà không trải qua một cuộc điều tra thông thường thì có khả năng vi phạm WTO.

(ii) Lẩn tránh sản phẩm (side stream): chủ yếu bao gồm hai loại:

(a) thay đổi nhỏ/không đáng kể (slight/minor alteration/modification) hình dạng, bề ngoài hoặc bao bì của sản phẩm ban đầu. Cụ thể, nếu nhà xuất khẩu/sản xuất nước ngoài thay đổi nhỏ hình dạng, bề ngoài, hoặc bao bì của sản phẩm nhằm mục đích lẩn tránh thuế CBPG/CTC sau khi có lệnh áp thuế với sản phẩm ban đầu, thì sản phẩm mới (bị nghi ngờ lẩn tránh) được gọi là sản phẩm được thay đổi nhỏ và hành vi liên quan đến việc thay đổi này được gọi là thay đổi nhỏ.

(b) liên quan đến sản phẩm thế hệ mới, phiên bản mới (được phát triển sau sản phẩm bị áp thuế ban đầu) (later-developed product), là một sản phẩm có thay đổi nhỏ về thiết kế hoặc có một số tính năng, đặc điểm bổ sung. Một yếu tố quan trọng mà các nhà xuất khẩu/sản xuất xem xét khi thực hiện hành vi này là làm cho sản phẩm mới này có bề ngoài khác (sau khi có lệnh áp thuế) để cho sản phẩm ‘mới’ này không thuộc đối tượng bị áp thuế CBPG/CTC và do đó lẩn tránh được thuế này.

Hoa Kỳ là nước đầu tiên có quy định về vấn đề này tại Đạo luật Thương mại 1988, theo đó, thuế CBPG/CTC có thể được mở rộng với các sản phẩm có thay đổi không đáng kể (thay đổi nhỏ về hình dáng, bề ngoài), (bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp đã qua xử lý, chế biến nhỏ) và mở rộng cho các sản phẩm thế hệ mới mà không phải điều tra thiệt hại. Để phân biệt sản phẩm bị nghi ngờ với sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế, có 5 yếu tố cần xem xét để xác định liệu sản phẩm mới này có thuộc phạm vi áp thuế hay không, bao gồm: (i) cùng các đặc tính vật lý chung; (ii) sự chấp nhận của người mua cuối cùng; (iii) mục đích sử dụng chính; (iv) các kênh thương mại; (v) sự quảng cáo và bày bán của sản phẩm.

Quy định của EU là về ‘sản phẩm được thay đổi nhỏ’ (slightly modified product)[18], tuy nhiên quy định này còn chung chung, không chi tiết về việc điều chỉnh thế nào là ‘thay đổi nhỏ’. Bên cạnh đó, EU không quy định về vấn đề sản phẩm thế hệ mới. Do đó, việc diễn giải để áp biện pháp với các hành vi lẩn tránh side stream phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan có thẩm quyền.

Một câu hỏi đặt ra là liệu sản phẩm được sửa đổi nhỏ, và sản phẩm thế hệ mới có thuộc phạm vi ‘sản phẩm tương tự’ hay không. Các nhà xuất khẩu/sản xuất thường có xu hướng sử dụng phương pháp này nếu chi phí phát triển hoặc thay đổi sản phẩm là thấp hơn so với mức thuế bị áp. Tuy nhiên, hành vi này cũng có thể đẩy cơ quan có thẩm quyền vào tình huống khó xử. Vì không phải lúc nào cũng có thể xác định một cách chi tiết phạm vi của sản phẩm được thay đổi bởi sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ nhằm đáp ứng thị hiếu luôn thay đổi của người tiêu dùng nên khó có thể dự đoán được sản phẩm sẽ thay đổi hoặc được phát triển như thế nào. Kết quả là, theo quy định của ADA, SCMA và nội luật, cơ quan điều tra (CQĐT) phải tiến hành điều tra một vụ CBPG/CTC mới đối với từng loại sản phẩm được thay đổi để xác định liệu việc áp thuế CBPG/CTC với sản phẩm mới này là cần thiết hay không. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới việc giảm hiệu quả của biện pháp CBPG/CTC vì để hoàn thành một cuộc điều tra thì rất mất thời gian (thông thường từ 12- 18 tháng)[19], công sức, tiền của cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cho cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, một vấn đề khác đáng quan ngại là nếu cơ quan có thẩm quyền áp dụng trực tiếp phạm vi ban đầu của sản phẩm bị điều tra CBPG/CTC với sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh mà không tiến hành khởi xướng điều tra một vụ việc mới, do phạm vi sản phẩm tương tự khác nhau thì có thể dẫn tới kết quả điều tra CBPG/CTC khác nhau. Và do đó không thể áp thuế CBPG/CTC với sản phẩm ban đầu nếu sản phẩm bị nghi ngờ lẩn tránh được tích hợp vào sản phẩm ban đầu trong khi cuộc điều tra CBPG/CTC được tiến hành với sản phẩm ban đầu. Ví dụ, điều tra CBPG/CTC với sản phẩm radio từ một nước và sau đó nhà xuất khẩu gắn vào radio một cái đồng hồ số để tránh lệnh áp thuế trên. Câu hỏi đặt ra là liệu radio bị áp thuế và radio có đồng hồ số có phải là các sản phẩm tương tự. Nếu radio có đồng hồ số nằm trong phạm vi sản phẩm bị áp thuế ban đầu khi tiến hành điều tra thì cơ quan điều tra có thể mở rộng lệnh áp thuế với sản phẩm này mà không phải tiến hành vụ việc mới. Ngược lại, sẽ phải tiến hành một vụ việc mới với sản phẩm radio có đồng hồ số nếu sản phẩm đó không nằm trong phạm vi vụ việc ban đầu.

(iii) Lẩn tránh hạ nguồn (downstream) (sản phẩm thuộc công đoạn sau): xảy ra khi nhà xuất khẩu/sản xuất nước ngoài bổ sung một hoặc một số linh kiện quan trọng mà đang bị áp thuế CBPG/CTC vào một sản phẩm không bị áp thuế đó. Ví dụ, một lệnh áp thuế CBPG/CTC được áp với một linh kiện quan trọng nào đó của máy ảnh, thì nhà xuất khẩu/sản xuất sẽ chuyển sang xuất khẩu máy ảnh nguyên chiếc để tránh thuế áp với linh kiện.

Theo quy định của Hoa Kỳ, nhà sản xuất trong nước của linh kiện tương tự hoặc sản phẩm hạ nguồn tương tự có thể nộp đơn kiện tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) (cơ quan điều tra). Theo đó, DOC sẽ xem xét liệu có cần tiến hành điều tra CBPG/CTC đối với những sản phẩm hạ nguồn này dựa trên một số yếu tố bao gồm: (i) trị giá của linh kiện, (ii) mức độ thay đổi đáng kể của linh kiện này, (iii) liệu nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất sản phẩm hạ nguồn có liên quan không. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý là đối với quy định về hành vi này (Mục 1320 Đạo luật Thương mại 1988), pháp luật Hoa Kỳ không sử dụng từ ‘lẩn tránh’ để nói về hành vi này giống như các hành vi được quy định tại Mục 1321 Đạo luật Thương mại 1988 (lẩn tránh thượng nguồn, lẩn tránh thông quan nước thứ 3, thay đổi nhỏ đối với sản phẩm và sản phẩm thế hệ mới)[20] và pháp luật cũng quy định phải tiến hành một vụ điều tra mới để xác định xem sản phẩm hạ nguồn bị nghi ngờ này có bán phá giá, được trợ cấp hay không trong khi đó đối với các hành vi quy định tại Mục 1321 thì có thể mở rộng lệnh áp thuế là đủ. Do đó, có thể thấy, Hoa Kỳ cho rằng hành vi lẩn tránh hạ nguồn là khác với các hành vi lẩn tránh khác (chỉ được coi là lẩn tránh một phần).

(iv) Lẩn tránh qua nước thứ 3: được thực hiện thông qua việc thay đổi nước xuất khẩu thay vì thay đổi sản phẩm. Các doanh nghiệp thực hiện hành vi này vì theo quy định của luật CBPG/CTC, hàng hóa sẽ không thuộc đối tượng bị áp thuế CBPG/CTC hiện hành nếu là sản phẩm từ một nước thứ 3 không thuộc các nước đang bị áp thuế. Ví dụ nước A áp thuế CBPG/CTC với sản phẩm X của công ty Y từ nước B. Công ty Y từ nước B (Y-B) sau đó xuất khẩu các linh kiện của sản phẩm X sang nhà máy của mình ở nước C và lắp ráp sản phẩm X ở nước C. Sản phẩm được lắp ráp sẽ được coi là sản phẩm của nước C và hành vi công ty Y thực hiện được coi là ‘lẩn tránh thông qua nước thứ 3’.

Câu hỏi quan trọng đối với hành vi này là liệu sản phẩm được lắp ráp có thể được lấy xuất xứ từ nước thứ 3 (nước C) không. Bên cạnh đó, để được lấy xuất xứ từ nước thứ 3, sản phẩm phải trải qua mức độ gia công như thế nào vì các nước có quy định khác nhau về các tiêu chuẩn, tiêu chí để đạt quy tắc xuất xứ và do đó các doanh nghiệp đã tận dụng điều này để lẩn tránh.

Hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3 và lẩn tránh thượng nguồn tương đối giống nhau vì đều liên quan đến việc gia công, lắp ráp các linh kiện từ nước bị lệnh áp thuế thành sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, lẩn tránh thượng nguồn liên quan đến việc lắp ráp các linh kiện ở nước nhập khẩu, trong khi lẩn tránh qua nước thứ 3 liên quan đến việc lắp ráp ở nước thứ 3. Một số nước đều điều chỉnh hai hành vi này trong nội luật của mình. Tại EU, tiêu chí để xác định liệu một giao dịch có cấu thành hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3 là giống với tiêu chí đối với lẩn tránh thượng nguồn. Tại Hoa Kỳ, bên cạnh các tiêu chí tương tự với lẩn tránh thượng nguồn, đối với lẩn tránh thông qua nước thứ 3 phải xem xét thêm 3 tiêu chí khác bao gồm: (i) xu hướng thương mại (pattern of trade), (ii) liệu doanh nghiệp lắp ráp có liên kết với nhà sản xuất các linh kiện hay không; (iii) liệu lượng nhập khẩu các linh kiện có gia tăng sau khi ban hành lệnh áp thuế CBPG/CTC.

Nói chung, theo quy định nội luật của một số nước, thuế CBPG/CTC có thể được mở rộng cho các sản phẩm lẩn tránh từ nước thứ 3 mà không phải tiến hành điều tra hành vi phá giá/trợ cấp hoặc thiệt hại. Tuy nhiên, việc này lại dẫn tới câu hỏi về việc liệu có phù hợp với WTO hay không. Nếu không tiến hành điều tra hành vi phá giá/trợ cấp và thiệt hại với sản phẩm bị nghi ngờ (như quy định của ADA/SCMA khi áp thuế CBPG/CTC) thì các quy định về chống lẩn tránh thuế đối với hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3 của những nước theo cách tiếp cận này bị xem là vi phạm WTO. Hơn nữa, quy định này cũng vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử của GATT/WTO vì như thế có nghĩa là không phải tiến hành điều tra CBPG/CTC với một nước thứ 3 cụ thể trong khi với các nước khác thì vẫn phải tiến hành điều tra đầy đủ, điều này rõ ràng gây ra sự phân biệt đối xử giữa một nước thứ 3 cụ thể và các nước khác.

(v) Lẩn tránh qua hệ thống các công ty đa quốc gia (Country hopping): Hành vi này được coi là một dạng phát triển từ lẩn tránh thông qua nước thứ 3, thường xảy ra trong trường hợp khi bị áp thuế CBPG/CTC, nhà xuất khẩu/sản xuất sau đó chuyển hoạt động lắp ráp thông qua hệ thống các công ty đa quốc gia của mình. Do đó, các cơ sở lắp ráp này được chuyển từ nước bị áp thuế CBPG/CTC tới một nước thứ 3. Tại nước thứ 3 này, nhà xuất khẩu/sản xuất chế tạo sản phẩm tương tự với những linh kiện chủ yếu được tự sản xuất tại nước thứ 3 đó hoặc tại các nước khác không phải là nước bị áp thuế CBPG/CTC ban đầu. Ví dụ, nước A áp thuế CBPG/CTC đối với mặt hàng X của công ty Y từ nước B. Công ty Y từ nước B sau đó chuyển dây chuyền lắp ráp sang cơ sở của mình tại nước C. Nhà máy của công ty Y tại nước C (Y-C) không phải là một nhà máy mới mà đã tồn tại trước đó. Tại nhà máy Y-C này, công ty Y lắp ráp sản phẩm X bằng cách sử dụng các linh kiện từ nhà máy Y-C hoặc từ nhà máy của Y ở nước D (Y-D) (nước D không bị áp thuế CBPG/CTC). Sản phẩm X được lắp ráp này sau đó sẽ được xuất khẩu mà không phải nộp thuế CBPG/CTC.

Hành vi này giống với hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3 ở trên. Cả 2 hành vi đều liên quan đến việc lắp ráp sản phẩm ở một nước thứ 3. Hơn nữa, theo quy định nội luật của một số nước, điển hình như Hoa Kỳ và EU, hành vi này được coi là hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3. Trên thực tế, hai hành vi này khó phân biệt tách rời và thường chỉ được gọi tên là ‘lẩn tránh thông qua nước thứ 3’ hoặc ‘country hopping’. Tại vòng đàm phán Uruguay, [21] các quy định về chống lẩn tránh thuế tại dự thảo Dunkel[22] lần đầu tiên hai hành vi này được đưa vào quy định. Theo dự thảo này, các tiêu chí khác nhau cần được áp dụng cho hai hành vi này (sẽ được trình bày ở sau).

Mặc dù có sự giống nhau, có 3 điểm khác biệt chính giữa 2 hành vi này:

(i) nguồn nguyên liệu đầu vào sử dụng ở hành vi country hopping thường được sản xuất tại nước thứ 3 hoặc từ các nước khác chứ không phải từ nước bị áp thuế CBPG/CTC. Như ví dụ trên, nếu các linh kiện chính được lắp ráp ở nước C (nước thứ 3) là từ nước C hoặc nước D (nước không bị áp thuế) chứ không phải từ công ty Y tại nước A (nước bị áp thuế), thì hành vi do công ty Y thực hiện sẽ là country hopping;

(ii) trong hành vi country hopping, cơ sở lắp ráp sản phẩm tại nước thứ 3 đã tồn tại từ trước chứ không phải mới được xây dựng để lẩn tránh thuế. Trong ví dụ trên, nhà máy của công ty Y tại nước C (nước thứ 3) đã tồn tại từ trước;

(iii) hành vi country hopping không có quy định về tỷ lệ phần trăm để xem xét liệu chi phí của các linh kiện từ nước bị áp thuế có vượt quá tỷ lệ % nhất định của tất cả các nguyên liệu được sử dụng với sản phẩm. Tuy nhiên, đối với này hành vi lẩn tránh thông qua nước thứ 3 thường cần phải đáp ứng quy định này.

Như được trình bày ở trên, những sự khác biệt này chỉ được quy định tại lời văn của dự thảo Dunkel, còn các nước trong nội luật của mình không có quy định cụ thể để phân biệt mà coi 2 hành vi này là giống nhau. Tương tự như phân tích ở mục lẩn tránh thông qua nước thứ 3 nêu trên, biện pháp ứng phó với hành vi country hopping cũng có dấu hiệu vi phạm WTO.

 (vi) Lẩn tránh của công ty vi phạm nhiều lần (Repeat corporate offender) (thường với sản phẩm có vòng đời ngắn): Hành vi này liên quan đến một số công ty sản xuất nhiều sản phẩm tận dụng việc sản xuất nhiều danh mục sản phẩm theo series để lẩn tránh thuế CBPG/CTC (thường xảy ra đối với các sản phẩm công nghệ cao). Yếu tố chính góp phần để các doanh nghiệp thực hiện hành vi này là do một cuộc điều tra CBPG/CTC thường kéo dài hơn 1 năm trong khi vòng đời của các sản phẩm công nghệ cao thường tương đối ngắn. Thực tế này giúp các công ty có thể sản xuất một loạt các sản phẩm theo series và lẩn tránh thuế bằng cách thay thế sản phẩm thế hệ mới với sản phẩm thế hệ cũ trong giai đoạn điều tra (ví dụ các sản phẩm điện thoại thông minh, máy vi tính, tivi… được thay đổi công nghệ liên tục). Do đó, lệnh áp thuế sẽ trở nên vô hiệu vì không thể theo kịp việc nhà xuất khẩu cập nhật, thay đổi danh mục sản phẩm của mình trước khi cuộc điều tra kết thúc.

Theo pháp luật Hoa Kỳ[23], hành vi này được gọi là hành vi liên quan đến ‘sản phẩm có vòng đời ngắn’ (nhằm lẩn tránh thuế CBPG) (không áp dụng với lẩn tránh thuế CTC). Theo đó, cách thức để ứng phó với vấn đề này là đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc đối với các doanh nghiệp vi phạm nhiều lần nếu các danh mục sản phẩm của họ đã bị áp thuế nhiều lần. Một công ty được coi là vi phạm nhiều lần nếu có ít nhất 2 vụ điều tra đối với sản phẩm của họ trong vòng 1 khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, cách thức để ứng phó với hiện tượng này cũng có một số hạn chế. Theo quy định của một số nước, những doanh nghiệp này sẽ bị áp dụng thời hạn điều tra khác. Mục tiêu ban đầu là để đẩy nhanh thời gian điều tra để cuộc điều tra có thể kết thúc trước khi sản phẩm được thay đổi. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng làm phức tạp thêm tình hình do cơ quan điều tra phải phân biệt các hành vi xem là vi phạm lần 1, 2 hay 3 để đưa ra các thời gian điều tra khác nhau, điều này sẽ khiến cơ quan điều tra tốn công sức, thời gian và tiền bạc hơn và là một gánh nặng lớn vì có những doanh nghiệp bị liên quan đến nhiều vụ việc nhưng vai trò của họ khác nhau (ví dụ có doanh nghiệp liên quan vì họ là nhà xuất khẩu chính sản phẩm nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ bị “vạ lây” vì xuất khẩu ít nhưng vẫn bị điều tra). Mặt khác, cách tiếp cận muốn đẩy nhanh vụ điều tra cũng có thể gây tranh cãi vì không công bằng đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vì họ có ít thời gian hơn để trả lời bản câu hỏi so với một cuộc điều tra thông thường. Theo quy định của WTO, việc không cung cấp thông tin đầy đủ trong một khoảng thời gian quy định sẽ khiến cho bị đơn ở vào thế bất lợi, khi đó cơ quan điều tra có thể áp dụng ‘thông tin có sẵn’ (facts available), một quy định cho phép cơ quan điều tra chấp nhận thông tin cung cấp bởi nguyên đơn (thường là thông tin bất lợi cho bị đơn).[24] Điều này sẽ có tác động tiêu cực tới những doanh nghiệp nhỏ này.

(vii) Lẩn tránh qua thay đổi giá các dạng khác nhau của sản phẩm (Fictious markets): Để đối phó với lệnh áp thuế CBPG (không áp với chống trợ cấp), nhà xuất khẩu/sản xuất có thể tạo ra một ‘thị trường giả tạo’ (fictious market) bằng cách hạ thấp giá bán trong nước để làm giảm hoặc xóa bỏ biên độ phá giá. Việc giảm giá này là tạm thời và mục đích chính là để lẩn tránh thuế CBPG.

Theo quy định của Hoa Kỳ, hành vi này được coi là một trong những hành vi lẩn tránh thuế CBPG mặc dù không được quy định tại mục 1321 Đạo luật Thương mại 1988 về ‘Ngăn ngừa lẩn tránh lệnh áp thuế CBPG và CTC’. Theo đó, kết luận về hành vi này tập trung ở việc liệu có sự thay đổi giá đối với các dạng khác nhau của sản phẩm hay không và liệu sự thay đổi đó có phải nhằm làm giảm biên độ phá giá hay không. Cụ thể, để xác định liệu giá của sản phẩm giống hệt (để so sánh) có giảm trong khi giá của các dạng khác của sản phẩm (không để so sánh) tăng. Việc có sự thay đổi về giá này được coi là bằng chứng là có hành vi lẩn tránh. Ví dụ, một sản phẩm có 2 dạng, một dạng viên và một dạng bột. Sản phẩm dạng viên bị điều tra CBPG. Nhà xuất khẩu/sản xuất sau đó giảm giá bán tại thị trường trong nước của sản phẩm dạng viên nhưng đồng thời lại tăng giá bán tại thị trường trong nước của sản phẩm dạng bột. Có thể có quan điểm cho rằng hành vi làm giảm hoặc triệt tiêu biên độ phá giá là mục tiêu hướng tới của lệnh áp thuế. Tuy nhiên, bằng cách tăng giá của dạng khác của sản phẩm trong cùng một danh mục (dạng bột), nhà sản xuất/xuất khẩu có thể bù đắp được lợi nhuận bị mất do giảm giá sản phẩm bị áp thuế CBPG (dạng viên).

Cách thức hiện tại để ứng phó với hành vi này cũng là một vấn đề cần xem xét. Nhà xuất khẩu/sản xuất có thể có các lý do khác nhau trên thực tế để tăng hoặc giảm giá của sản phẩm. Cách thức chỉ theo dõi sự biến động của giá sản phẩm để ra kết luận về việc có tồn tại hành vi lẩn tránh là tương đối gây tranh cãi và có thể bị lạm dụng.

Trên đây là một số hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp phổ biến được quy định tại nội luật của một số nước. Tuỳ vào tình hình, đặc điểm và sự lựa chọn chính sách của mỗi nước mà từng nước sẽ có quy định cụ thể về các hình thức lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp tại nội luật của mình.

ThS. Phạm Hương Giang  (Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ)

[1] Ví dụ, Canada (1904), New Zealand (1905), Úc (1906), Hoa Kỳ (1916), Nam Phi, Anh (1921).

[2] Điều 2.1 ADA, Điều VI:1 GATT.

[3] https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/adp_e.htm.

[4] https://www.wto.org/english/tratop_e/scm_e/scm_e.htm.

[5] Từ điển hiện đại Oxford.

[6] Từ điển từ vựng Macquaire.

[7] Quyết định về chống lẩn tránh, ngày 15/12/1993 quy định: “Các Bộ trưởng hiểu rằng khi vấn đề lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá cấu thành một phần của đàm phán Hiệp định thực thi Điều VI GATT 1994, các nhà đàm phán đã không thể thống nhất về lời văn cụ thể. Các Bộ trưởng cũng hiểu mong muốn về việc áp dụng các quy định thống nhất trong lĩnh vực này càng sớm càng tốt, do đó, quyết định đưa vấn đề này ra Hội đồng về các Hành vi chống bán phá giá được thành lập theo Hiệp định nói trên để giải quyết.”

[8] Vụ việc EU điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC với màng PET từ Ấn Độ (2004).

[9] Tham khảo Yanning Yu (2008).

[10] Những loại này đã được chấp nhận bởi các thành viên WTO mà phản đối việc đưa các quy định về lẩn tránh thuế vào Hiệp định ADA hiện tại, ví dụ Nhật Bản. Xem WTO, G/ADP/IG/W/0 ngày 28/4/1998, quan điểm của Nhật Bản

[11] Điều 2.6 ADA.

[12] Theo Điều 2.1 ADA, ‘phá giá’ xảy ra theo điều kiện thương mại thông thường, nếu hàng xuất khẩu được xuất khẩu từ một nước (nước xuất khẩu) tới một nước khác (nước nhập khẩu). Do đó, hàng xuất khẩu bị điều tra thường được giới hạn ở một số nước xuất khẩu cụ thể.

[13] Nếu không có quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm để xác định mức độ gia công như thế nào thì được công nhận là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

[14] Điều 11.8 SCMA.

[15] Tham khảo thêm G/ADP/IG/W/1 ngày 3/10/1997, tài liệu của Cộng đồng Châu Âu.

[16] Xem G/ADP/IG/W/6 ngày 22/4/1998, G/ADP/IG/W/21 ngày 15/3/2004.

[17] Xem G/ADP/IG/W/21 ngày 24/3/2000, G/ADP/IG/W/6 ngày 22/4/1998, G/ADP/IG/W/4 ngày 29/10/1997.

[18] Điều 13:1 Quy định 2016/1036 (CBPG), Điều 23 Quy định 2016/1037 (CTC).

[19] Điều 5.10 ADA, Điều 11.11 SCM.

[20] Mục 1321 của Đạo luật Thương mại 1988 có tiêu đề là ‘Ngăn ngừa việc lẩn tránh lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp’ trong đó cấm 4 hành vi lẩn tránh. Tuy nhiên, Mục 1320 của Đạo luật này, điều chỉnh về các sản phẩm hạ nguồn thì không sử dụng từ ‘lẩn tránh’ để nói về hành vi này mà chỉ sử dụng thuật ngữ ‘giám sát’ (monitor).

[21] Có 8 vòng đàm phán trong lịch sử GATT. Vòng đàm phán thứ 8 (gọi là vòng đàm phán Uruguay, bắt đầu từ ngày 22/9/1986 tại Uruguay, dẫn tới sự thành lập WTO vào năm 1995.

[22] Tại các phiên đàm phán của Vòng đàm phán Uruguay, các bên tham gia đàm phán nỗ lực để đưa ra rất nhiều dự thảo để cố gắng đưa các kết quả đàm phán này vào bản thỏa thuận cuối cùng. Vào tháng 12/1991,Tổng Giám đốc GATT- ông Arthur Dunkel, đã đề xuất một bản lời văn dự thảo mà cuối cùng dẫn tới việc các bên đạt được thỏa thuận thống nhất của Vòng Uruguay vào năm 1994.

[23] Mục 1323 Đạo luật Thương mại 1988.

[24] Điều 6.8 ADA, Điều 12.7 SCMA.

Nguồn: http://www.trav.gov.vn/



https://www.haiquanvietnam.com/2021/10/cac-hinh-thuc-lan-tranh-thue-chong-ban-pha-gia-chong-tro-cap.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn