Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK

{toc} $title={Xem nhanh}

 Năm 2017, với nhiệm vụ trọng tâm của công tác QLRR là xây dựng, triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, theo Quyết định số 26/QĐ-TCHQ ngày 25/04/2017 của Tổng cục Hải quan, Cục QLRR đã chủ động tích cực phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, hoàn thành việc xây dựng và triển khai ứng dụng Ngân hàng dữ liệu tiêu chí phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa XNK; trong đó, đã thực hiện thí điểm thành công 05 phiên bản tiêu chí phân luồng tại 04 Cục Hải quan tỉnh, thành phố và đang chuẩn bị cho việc triển khai áp dụng mở rộng trong toàn quốc.

Về kỹ thuật, việc áp dụng 05 Phiên bản tiêu chí phân luồng cho phép lựa chọn 05 phương án xử lý khác nhau cho mỗi tiêu chí. Đồng thời, trên hệ thống quản lý rủi ro có chức năng tự động đánh giá hiệu quả của từng phương án và sử dụng hàm ngẫu nhiên tự động lựa chọn 01 trong 05 phương án để áp dụng phân luồng mà không có sự can thiệp của cán bộ, công chức hải quan.Với việc áp dụng phương pháp lựa chọn này sẽ đảm bảo tính khách quan và bảo mật thông tin trong phân luồng quyết định kiểm tra.

Về nghiệp vụ, tiêu chí trên ngân hàng dữ liệu được thiết lập áp dụng theo cấu trúc đa phân lớp, với các nhóm phân lớp tiêu chí có tính chất ổn định, như tiêu chí áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật hải quan, pháp luật thuế…; các nhóm phân lớp tiêu chí có tính chất quan trọng, cấp thiết áp dụng đối với các trường hợp theo thông tin nghiệp vụ, dấu hiệu vi phạm, đối tượng rủi ro cao,… và các nhóm phân lớp tiêu chí áp dụng theo “ma trận” đa chiều, với sự điều chỉnh linh hoạt về trọng số theo từng phương án phù hợp với mức độ rủi ro và yêu cầu nghiệp vụ cụ thể đối với từng đối tượng. Đây là giải pháp kỹ thuật tối ưu trong việc áp dụng tiêu chí; đáp ứng tính đa dạng, linh hoạt, đồng thời khắc phục hiện tượng lộ thông tin hoặc đoán biết trước thông tin phân luồng, như các báo cáo đánh giá trong thời gian qua.

Thứ hai, chuẩn hóa bộ tiêu chí phân luồng quyết định kiểm tra trong thực hiện thủ tục hải quan, trên cơ sở phù hợp với kỹ thuật áp dụng trên 05 phiên bản tiêu chí phân luồng, giảm và dịch chuyển tỷ lệ kiểm tra hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành từ giai đoạn trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan.

Để đáp ứng yêu cầu trên, thời gian qua, Cục QLRR đã thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại đối với hơn 400 văn bản chính sách quản lý chuyên ngành theo 05 nhóm với mức độ chuẩn hóa khác nhau về chính sách và mã số hàng hóa; đồng thời thực hiện đánh giá rủi ro đối với chế độ chính sách, trên cơ sở đó đề xuất áp dụng tiêu chí phù hợp với từng yêu cầu quản lý chuyên ngành; tham mưu đề xuất lược bỏ những yếu tố rủi ro thấp, chuyển giao đơn vị Hải quan các cấp thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp đối với các trường hợp chính sách chuyên ngành và danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành chưa được chuẩn hóa.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng áp dụng tiêu chí phân luồng, thời gian qua, Cục QLRR cũng đã phối hợp với Cục Công nghệ TT&TKHQ hoàn thành việc xây dựng và chuẩn bị đưa vào ứng dụng các phân hệ QLRR về chế độ chính sách, phân hệ quản lý Danh mục hàng hóa rủi ro và dấu hiệu rủi ro của hàng hóa XNK. Với việc triển khai ứng dụng các phân hệ này sẽ bổ sung các nguồn thông tin dữ liệu quan trọng, có giá trị nhằm hỗ trợ tích cực cho việc phân tích, xác định trọng điểm, thiết lập áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra, theo dõi, đánh giá các rủi ro, cũng như cung cấp nguồn chỉ dẫn cho công chức trong quá trình thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan và các hoạt động nghiệp vụ khác.

Thứ ba, tích cực triển khai xây dựng các cấu phần phân luồng quyết định kiểm tra hàng hóa tại các khâu trong chuỗi quy trình nghiệp vụ, như: phân hệ QLRR trong giám sát hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế (trên cơ sở ứng dụng hệ thống quản lý tự động tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế); phân hệ phân luồng quyết định kiểm tra qua soi chiếu hàng hóa NK trong quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận tải xuống tại khu vực cửa khẩu nhập và hàng hóa XK sau khi đã thông quan tập kết tại khu vực cửa khẩu xuất; phân hệ cung cấp, phân luồng đối tượng phục vụ kiểm tra sau thông quan… Các cấu phần trên đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và triển khai áp dụng trong năm 2018.

Việc triển khai các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ quan trọng cho công tác phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa XNK, tuy vậy, các giải pháp trên chủ yếu mang tính kỹ thuật, để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng quyết định kiểm tra, nâng cao tỷ lệ phát hiện vi phạm qua phân luồng kiểm tra, thời gian tới, đòi hỏi ngành Hải quan phải triển khai đồng bộ các giải pháp tại Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phân luồng… theo Quyết định số 126/QĐ-TCHQ ngày 25/04/2017 của Tổng Cục Hải quan. Xuất phát từ các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, Cục QLRR xây dựng các định hướng về giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện về Bộ tiêu chí và Bộ chỉ số tiêu chí phân luồng quyết định kiểm tra đối với hàng hóa XNK. Thời gian tới, trên cơ sở Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC được ban hành, Cục QLRR sẽ phối hợp với các đơn vị sớm hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ Tài chính ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 465/QĐ-BTC về Bộ tiêu chí QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và trình Tổng cục ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TCHQ về Bộ chỉ số tiêu chí QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Hai là, đẩy mạnh công tác phân tích xác định trọng điểm, quản lý chặt chẽ và tập trung áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với các doanh nghiệp trọng điểm hoạt động trên từng địa bàn; với phương châm: “Chủ động cảnh báo sớm – Cung cấp, chỉ rõ đối tượng rủi ro, phân luồng quyết định kiểm tra – Giám sát chặt chẽ việc thực hiện phân luồng, kiểm tra trên từng địa bàn” nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện phân luồng quyết định kiểm tra.

 Để thực hiện mục tiêu và phương châm này, hiện nay, Cục Quản lý rủi ro đang phối hợp với Cục Điều tra CBL, Cục Kiểm tra STQ và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, lập danh sách doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Cục QLRR sẽ tham mưu đề xuất Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn việc thiết lập, áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra tại các Cục Hải quan đối với danh sách doanh nghiệp trọng điểm; đồng thời phân công nhiệm vụ cho Cục Điều tra CBL, Cục Kiểm tra STQ và  đơn vị nghiệp vụ tại Hải quan các cấp thực hiện việc theo dõi, quản lý và áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp.

Ngoài ra, trong quá trình áp dụng, Cục QLRR sẽ tiếp tục điều phối, hướng dẫn các cấp đơn vị thực hiện việc theo dõi, cập nhật bổ sung danh sách doanh nghiệp trọng điểm; phát hiện và kiểm soát kịp thời các đối tượng lợi dụng các hình thức thành lập doanh nghiệp mới, thuê pháp nhân làm dịch vụ hoặc lợi dụng doanh nghiệp tuân thủ tốt làm vỏ bọc… để hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại.

Ba là, tăng cường thu thập, xử lý thông tin, phân tích sàng lọc tờ khai Luồng xanh (miễn kiểm tra) để phát hiện và cung cấp kịp thời danh sách tờ khai Luồng xanh trọng điểm cho các đơn vị kiểm tra STQ tại Hải quan các cấp thực hiện kiểm tra sau thông quan. 

Để thực hiện hiệu quả hoạt động này, Cục QLRR đang nghiên cứu xây dựng Chuyên đề kiểm soát rủi ro tờ khai Luồng xanh, trong đó tập trung nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn lợi dụng luồng xanh, lập và thường xuyên cập nhật danh sách các dấu hiệu rủi ro đối với tờ khai Luồng xanh, đối tượng rủi ro, xây dựng hệ thống cảnh báo tờ khai luồng xanh phục vụ việc lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan.

Bốn là, sớm hoàn thiện cơ chế soi chiếu hàng hóa NK trong quá trình xếp, dỡ từ phương tiện vận tải xuống khu vực cửa khẩu nhập và hàng hóa XK sau khi đã thông quan tập kết tại khu vực cửa khẩu xuất, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp, như: 

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai ứng dụng hệ thống lựa chọn phân luồng quyết định soi chiếu;

- Xây dựng, triển khai thực hiện quy trình phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn quyết định phân luồng kiểm tra qua soi chiếu;

- Tham mưu đề xuất kiện toàn thống nhất về tổ chức đơn vị quản lý vận hành máy soi theo hướng thành lập đầu mối trực thuộc Phòng QLRR để tổ chức thực hiện việc lựa chọn và soi chiếu;

- Xây dựng hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu kết nối, truyền nhận, sử dụng kết quả soi chiếu trong các khâu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan.

Năm là, xây dựng, trình Tổng cục phê duyệt triển khai chương trình cảnh báo, hỗ trợ, khuyến khích tuân thủ đối với nhóm doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tạo thuận lợi thương mại, giảm thiểu kiểm tra đối với doanh nghiệp tuân thủ (rủi ro thấp), hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ đối với doanh nghiệp rủi ro cao trong hoạt động XNK.

Để triển khai chương trình trên, Cục QLRR đã thực hiện rà soát, phân loại và lập danh sách khoảng 2.300 doanh nghiệp có kim ngạch lớn trong năm 2016 - 2017 (chiếm khoảng 80% kim ngạch XNK) trong phạm vi toàn quốc; phân loại mức độ rủi ro theo 03 nhóm: cao, trung bình, thấp. Trên cơ sở đó sẽ tham mưu đề xuất Lãnh đạo Tổng cục cơ chế áp dụng chính sách QLRR, cảnh báo và hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; đồng thời đề xuất phân công nhiệm vụ cho các đơn vị tại Hải quan các cấp triển khai thực hiện chương trình này.

Sáu là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc phân luồng, chuyển luồng và thực hiện kiểm tra tại các Chi cục Hải quan, thông qua các biện pháp như: cung cấp thông tin giám sát trực tuyến qua trung tâm chỉ huy của Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan; giám sát trên hệ thống thông tin dữ liệu của ngành Hải quan và cử công chức trực tiếp giám sát, kiểm tra nghiệp vụ tại các Cục Hải quan và Chi cục Hải quan; phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót hoặc sai phạm trong quá trình thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan./.



https://www.haiquanvietnam.com/2017/12/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-phan-luong.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn