Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

09-N2016: Kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo quy định của Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành

{toc} $title={Xem nhanh}

TÓM TẮT ĐỀ TÀI

KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG,

SẢN XUẤT XUẤT KHẨU THEO LUẬT HẢI QUAN NĂM 2014

VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Mã số 09 - N2016

---o0o---

Chủ nhiệm đề tài : Ông Nguyễn Phúc Thọ - P. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai.

Đơn vị chủ trì : Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai

Thời gian thực hiện : Từ tháng 08/2016 đến tháng 08/2017

Bố cục của đề tài :

Chương 1. Tổng quan về hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa nhập gia công và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Chương 2: Thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.

Chương 3: Giải pháp kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo Luật Hải quan năm 2014

CHƯƠNG I

TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

1.1. Khái niệm hàng hóa gia công

1.2. Khái niệm hàng hóa sản xuất xuất khẩu

1.3. So sánh hai loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu

1.4. Khái niệm và vai trò của Kiểm tra sau thông quan

1.24.1. Khái niệm Kiểm tra sau thông quan

* Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO)

* Theo Công ước Kyoto sửa đổi, bổ sung tháng 9/1999

* Theo Hải quan ASEAN

* Theo Hải quan Việt Nam

Từ các khái niệm liên quan, các quan niệm có tính quốc tế và theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có thể xây dựng một khái niệm chung về KTSTQ như sau: "KTSTQ là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện đối với hàng hóa sau khi đã thông quan để đảm bảo tính chính xác và trung thực của các nội dung khai báo hải quan trong quá trình xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa đó".

* Khái niệm kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu :

Từ khái niệm chung về công tác kiểm tra sau thông quan được rút ra từ hoạt động thực tiễn và các quy định có tính pháp lý như đã nêu ở trên. Nhóm nghiên cứu tạm thời đưa ra khái niệm về công tác kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu như sau :

Kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu theo loại gia công, sản xuất xuất khẩu; kiểm tra thực tế hàng hóa thuộc loại hình này trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan. Việc kiểm tra sau thông quan nhằm đánh giá tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; đánh giá việc tuân thủ pháp luật hải quan và các quy định khác của pháp luật liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu của người khai hải quan.

1.4.2. Vai trò của Kiểm tra sau thông quan

Thứ nhất, kiểm tra sau thông quan là biện pháp nâng cao năng lực quản lý của cơ quan Hải quan

Thứ hai, kiểm tra sau thông quan tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Thứ ba, kiểm tra sau thông quan góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Thứ tư, kiểm tra sau thông quan tạo ảnh hưởng tốt đến hình ảnh quốc gia.

1.5. Quy định pháp luật về thuế đối với hàng hóa gia công và sản xuất xuất khẩu

1.5.1. Đối với hàng hóa gia công (cơ sở pháp lý, miễn thuế)

1.5.2. Đ ối với hàng sản xuất xuất khẩu (cơ sở pháp lý, miễn thuế)

1.5.3. Một số quy định của pháp luật Việt Nam về nhập gia công và nhập sản xuất xuất khẩu

Kết luận Chương I

Trên cơ sở hệ thống hoá một cách khái quát những vấn đề lý luận, nhóm nghiên cứu mong muốn làm rõ khái niệm liên quan đến hoạt động gia công, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công, hàng hóa nhập khẩu sản xuất hàng xuất khẩu, khái niệm kiểm tra sau thông quan nói chung, khái niệm kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu nói riêng; trình bày sơ lược các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý hải quan, chính sách thuế và quản lý thuế đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, phân tích những quy định của pháp luật hiện hành đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu của các Doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức trong yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, trong công tác kiểm tra sau thông quan đối với loại hình này nhằm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm quy định quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu gia công và sản xuất xuất khẩu, nhằm mục đích gian lận, trốn thuế của các Doanh nghiệp.

CHƯƠNG II

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

ĐỐI VỚI HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

2.1. Thực trạng quy định pháp luật về kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

Nhằm cải cách thủ tục hành chính về hải quan theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan được chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, Nhà nước đã ban hành các văn bản luật và dưới luật quy định về kiểm tra sau thông quan làm cơ sở pháp lý để đánh giá, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan và là một trong các công cụ điều chỉnh, răn đe và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong đó có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu. Cụ thể:

- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 đã quy định về kiểm tra sau thông quan tại các Điều từ 77 đến Điều 82

- Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ đã hướng dẫn về kiểm tra sau thông quan tại các Điều từ 97 đến Điều 100. Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể các trường hợp kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu từ Điều 38 đến Điều 40:

- Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, tập trung vào một số nội dung:

+ Áp dụng quản lý rủi ro để lập các tiêu chí lựa chọn kiểm tra sau thông quan theo quy định tại Điều 78 Luật Hải quan (Điều 11) khi thực hiện Điều 38 đến Điều 40 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015;

+ Quy định việc thu thập thông tin và xác minh phục vụ kiểm tra sau thông quan (Điều 141);

+ Đối tượng, phạm vi kiểm tra; thủ tục, trình tự kiểm tra, thời gian kiểm tra, việc xử lý kết quả kiểm tra; Quyền, trách nhiệm của cơ quan Hải quan, của trưởng đoàn kiểm tra; Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan trong kiểm tra sau thông quan: tại trụ sở cơ quan hải quan (Điều 142) hoặc tại trụ sở của người khai hải quan (Điều 143);

+ Hướng dẫn phân cấp tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan từ Tổng cục Hải quan cho đến các Chi cục (Điều 144) và giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan (Điều 145).

- Quyết định số 1410/QĐ-TCHQ ngày 14/05/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành quy trình kiểm tra sau thông quan.

- Ngoài ra, còn có các văn bản dưới luật của Bộ, Ngành như Quyết định số 246/QĐ-TCHQ ngày 03/11/2016 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành Danh sách doanh nghiệp trọng điểm kiểm tra sau thông quan; Công văn số 16210/BTC-TCHQ ngày 02/11/2015 của Bộ Tài chính, công văn số 8537/TCHQ-GSQL ngày 05/09/2016 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn liên quan đến báo cáo quyết toán đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu tại Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC,….

So với quy định trước đây, các quy định hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan, nhưng cũng tạo ra không ít thách thức trong công tác hậu kiểm của ngành Hải quan.

Tóm lại, với những thay đổi cơ bản về thủ tục hải quan, về cách thức quyết toán đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu khi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thì phương pháp kiểm tra sau thông quan là không thay đổi, áp dụng phương pháp so sánh, đối chiếu để triển khai thực hiện kiểm tra định mức đối với từng mã sản phẩm hoặc kiểm tra đối chiếu tình hình sử dụng, tồn kho nguyên vật liệu. Thay đổi chủ yếu tập trung trong công tác thu thập, phân tích, đánh giá thông tin, đặc biệt là việc thu thập thông tin về định mức do doanh nghiệp cung cấp trực tiếp hoặc trên cơ sở doanh nghiệp đã thông báo với cơ quan hải quan khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc khai khi xác định cụ thể số tiền tiền không thu thuế, số tiền thuế được hoàn trong từng bộ hồ sơ.

2.2. Thực trạng quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu của người khai hải quan

2.2.1. Theo dõi quản lý xuất, nhập kho nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm

2.2.1.1. Theo dõi quản lý xuất, nhập kho nguyên liệu, vật tư

2.2.1.2. Theo dõi quản lý bán thành phẩm

2.2.1.3. Theo dõi quản lý thành phẩm

2.2.2. Theo dõi hạch toán sổ sách kế toán

2.2.2.1. Đối với doanh nghiệp SXXK

- Phương pháp hạch toán nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm: mỗi doanh nghiệp áp dụng phương pháp theo dõi hàng tồn kho theo một phương pháp khác nhau:

+ Phương pháp kiểm kê định kỳ

+ Phương pháp kê khai thường xuyên

- Hệ thống tài khoản theo dõi

- Hạch toán nguyên vật liệu

- Tính giá thành sản phẩm:

+ Tính giá thành theo phương pháp đơn đặt hàng

+ Tính giá thành theo phương pháp hệ số

+ Tính giá thành theo phương pháp tỷ lệ

- Đánh giá chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ:

+ Đánh giá sản phẩm dở dang theo chí phí sản xuất định mức

+ Đánh giá sản phẩm dở dang theo chi phí nguyên vật liệu chính trực tiếp

+ Đánh giá sản phẩm dở dang theo khối lượng sản phẩm hoàn thành tương đương

- Hạch toán thành phẩm: căn cứ vào cách tính giá thành sản xuất, việc hạch toán của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.

+ Khi phát sinh nhập kho thành phẩm: Kế toán ghi bên nợ của tài khoản 155, một số trường hợp doanh nghiệp đưa xuất bán ngay nên ghi nợ tài khoản 156.

+ Khi phát sinh xuất kho thành phẩm: kế toán ghi bên Có của tài khoản 155 hoặc tài khoản 156 đối ứng với tài khoản 156 hoặc tài khoản 632 tùy theo doanh nghiệp.

Tuy nhiên việc hạch toán không kịp thời theo sản phẩm hoàn thành, có trường hợp doanh nghiệp nêu không thể hạch toán vào tài khoản 155 vì sản phẩm máy móc, thiết bị có qui mô lớn đến hàng trăm tấm, kích thước lớn không có kho nào chứa được sản phẩm này....

- Hạch toán doanh thu:

Việc hạch toán doanh thu bán hàng chưa tách riêng doanh thu hàng xuất khẩu và doanh thu nội địa, có trường hợp Báo cáo quyết toán năm có tách tổng doanh thu xuất khẩu có trường hợp cũng không thể hiện.

2.2.2.2. Đối với doanh nghiệp gia công xuất khẩu:

Theo qui định doanh nghiệp nhận gia công sản phẩm phải hạch toán theo dõi nguyên liệu, sản phẩm trên tài khoản 002. Tuy nhiên ít doanh nghiệp thực hiện theo dõi chi tiết trên tài khoản 002, hoặc nếu có chỉ ghi nhận giá trị không chi tiết số lượng, đơn giá từng lần nhập, xuất kho.

Hầu hết các doanh nghiệp nhận gia công theo dõi nguyên vật liệu, sản phẩm căn cứ theo phiếu nhập, xuất kho để tổng hợp lên báo cáo nhập xuất tồn.

Chi phí tập hợp chủ yếu phát sinh là chi phí nhân công trực tiếp và chi phí quản lý không có chi phí nguyên vật liệu ngoại trừ một số nguyên phụ liệu được cung cấp cho quá trình gia công theo chỉ định của bên thuê gia công.

2.2.3. Xây dựng định mức tiêu hao và quản lý sử dụng nguyên vật liệu:

- Việc xây dựng định mức tiêu hao và quản lý sử dụng nguyên liệu, vật tư của các doanh nghiệp cũng khác nhau.

- Việc xây dựng định mức thiết kế ban đầu đối với các mã sản phẩm tương tự có thể giống nhau, nhưng thực tế chất liệu cấu tạo có thay đổi theo yêu cầu...

- Việc tính toán định mức thực tế sử dụng, đa số các doanh nghiệp đều tính toán bao gồm cả chi phí sản phẩm hỏng, nguyên vật liệu hỏng, lỗi lúc nhập về và cả các nguyên vật liệu hỏng trong quá trình lưu trữ, sản xuất. Việc tính toán tổng tiêu hao nguyên vật liệu bao gồm cả sản phẩm hỏng, nguyên vật liệu hỏng, lỗi mà không tính toán định mức theo mức hao hụt cần thiết để sản xuất một đơn vị sản phẩm, dẫn đến thất thoát một tiền thuế tương ứng với phần nguyên vật liệu, sản phẩm hư hỏng do việc quản lý của doanh nghiệp không chặt chẽ, lơ là, buông lỏng...

- Một số trường hợp đặc biệt, các mặt hàng có sự thay đổi chất lượng đầu vào qua quá trình lưu trữ và sử dụng (như độ ẩm, thời tiết...) hoặc chất lượng nguyên liệu không đồng đều do có nguồn gốc từ tự nhiên không phải sản phẩm sản xuất công nghiệp (sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khoáng sản,...) việc xây dựng định mức chưa tách số hao hụt tự nhiên, chưa điều chỉnh định mức sát với hao hụt thực tế phát sinh theo từng lô hàng nhập kho, xuất kho.

- Việc lưu giữ các tài liệu xây dựng định mức chưa được đầy đủ, các trường hợp sản xuất theo dây chuyền tự động hóa khép kín số liệu tiêu hao nguyên vật liệu cũng không được lưu giữ đầy đủ.

- Việc lập định mức cố định đối với các vật tư đóng gói là không phù hợp, không phản ánh đúng tình trạng sử dụng vật tư đóng gói. Do yêu cầu đóng gói của khách hàng khác nhau, hay điều kiện đóng gói hàng hóa cho cùng một mã sản phẩm cũng không cố định. Các loại vật tư, bao bì đóng gói được nhập khẩu như pallet, túi khí chèn hàng, tấm bìa carton lót hàng, bọ kẹp dây đai, dây đai buộc hàng,... lượng sử dụng luôn khác nhau nếu không điều chỉnh theo định mức thực tế sử dụng thì tổng tiêu hao không chính xác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà đa số các doanh nghiệp không điều chỉnh định mức thực tế sử dụng cho các loại vật tư này.

- Tương tự các nguyên vật liệu dùng chung trong sản xuất cho nhiều sản phẩm khác nhau như hóa chất, dầu mỡ sản xuất, băng dính,... việc xây dựng định mức thường không chính xác.

2.2.4. Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu:

- Báo cáo quyết toán theo số lượng:

Còn một số trường hợp báo cáo tổng tiêu hao nguyên vật liệu theo cách tính định mức bình quân mà không theo sổ sách theo dõi thực tế sử dụng.

Các trường hợp trước thanh khoản theo định mức bình quân dẫn đến có sự chênh lệch thực tế giữa khai báo thanh khoản và thực tế hàng tồn kho nhưng chưa được doanh nghiệp kiểm tra khai báo bổ sung. Mặc khác chưa có hướng dẫn khai bổ sung các trường hợp có chênh lệch số liệu tồn đầu kỳ hoặc tổng tiêu hao khai báo có sai sót nhầm lẫn ...

- Báo cáo quyết toán theo trị giá:

+ Đối với nguyên vật liệu:

Đa số các trường hợp doanh nghiệp khai báo theo giá mua bao gồm giá mua nguyên vật liệu và chi phí mua hàng,... mà chưa trừ đi các chi phí như: thuế, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo hiểm, chênh lệch tỉ giá do qui đổi các thời điểm khác nhau...

+ Đối với thành phẩm:

Giá trị kê khai là giá của thành phẩm bao gồm: nguyên liệu, vật tư, chi phí sản xuất chung, chi phí nhân công, chi phí quản lý…

- Thực trạng việc Báo cáo quyết toán:

Thực tế việc lập báo cáo quyết toán nguyên liệu, vật tư, thành phẩm đối với các doanh nghiệp hoàn toàn mới nên còn gặp nhiều khó khăn từ khâu thống nhất cách nhập dữ liệu, cách lấy dữ liệu để trình bày trên báo cáo.

Có doanh nghiệp lấy toàn bộ giá trị tồn đầu kỳ, phát sinh trong kỳ, tồn cuối kỳ của các tài khoản tương ứng bên bộ phận kế toán trình bày trên báo cáo quyết toán.

Có trường hợp doanh nghiệp tách dữ liệu nhập khẩu từ kế toán (nếu kế toán theo dõi riêng phần nhập khẩu) nhưng không tách được dữ liệu nhập khẩu các loại hình nhập khẩu khác không liên quan như nhập kinh doanh.

Có trường hợp doanh nghiệp lấy giá trị trên tờ khai nhập khẩu và tờ khai xuất khẩu để khai báo giá trị nguyên liệu và giá trị thành phẩm.

Các Báo cáo quyết toán thường có sự chênh lệch, không thống nhất giữa số liệu thể hiện trên Báo cáo quyết toán với số liệu từ hệ thống sổ, chứng từ kế toán đang theo dõi tại doanh nghiệp. Do doanh nghiệp chưa theo dõi, tích hợp số liệu thống nhất từ 03 bộ phận: (1) bộ phận quản lý kho, (2) bộ phận kế toán và (3) bộ phận xuất nhập khẩu; mà Báo cáo quyết toán doanh nghiệp thường giao cho bộ phận xuất nhập khẩu lập và nộp cho cơ quan hải quan.

2.3. Thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu:

2.3.1 Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên cả nước:

2.3.2 Kim ngạch xuất nhập khẩu trong vòng 5 năm qua

2.4 Thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan:

Đứng đầu về số thu là Cục Hải quan TP.HCM với kết quả đạt 782,3 tỷ đồng; tiếp theo là Cục Kiểm tra sau thông quan đạt 702,36 tỷ đồng; Cục Hải quan Hải Phòng đạt gần 354 tỷ đồng; Cục Hải quan Đồng Nai đạt gần 161 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Nội đạt gần 131 tỷ đồng; Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 129 tỷ đồng; Cục Hải quan Bình Dương hơn103 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số thu của 7 đơn vị nêu trên đạt 2.363 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số thu của toàn lực lượng.

2.4.1 Thực trạng kiểm tra sau thông quan đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình gia công - sản xuất xuất khẩu (GC-SXXK) trong vòng 5 năm qua:

Năm

Toàn bộ các loại hình

Loại hình GC-SXXK

Tỷ trọng

Tổng số cuộc KTSTQ

Số tiền truy thu thuế, phạt (tỷ đồng)

Tổng số cuộc KTSTQ

Số tiền truy thu thuế, phạt (tỷ đồng)

Số cuộc KTSTQ

Số tiền truy thu thuế, phạt (tỷ đồng)

2012

2.672

1.373,07

87

304,31

3.26%

22,16%

2013

2.430

1.643,72

74

180,22

3.05%

10,96%

2014

3.697

1.104,79

166

293,07

4.49%

26,53%

2015

7.561

2.181,09

243

460,93

3.21%

21,13%

2016

10.587

3.503,09

189

529,12

1.79%

15,10%

Tổng

26.947

9.805,76

759

1.767,65

2.82%

18,03%

(Số liệu từ nguồn Tổng cục Hải quan cung cấp)

2.4.2. Tình hình thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với loại hình GC-SXXK của Cục Kiểm tra sau thông quan và các Cục Hải quan địa phương

2.5. Đánh giá chung về công tác kiểm tra sau thông quan đối với loại hình gia công - sản xuất xuất khẩu

2.5.1. Thuận lợi :

- Hệ thống văn bản pháp quy hiện hành đã tạo tiền đề pháp lý cho hoạt động kiểm tra sau thông quan hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

- Lực lượng kiểm tra sau thông quan trong toàn Ngành đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong công tác kiểm tra sau thông quan đối với lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu.

- Cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác kiểm tra sau thông quan được Ngành thường xuyên quan tâm đào tạo, trang bị kiến thức kế toán, kiểm toán doanh nghiệp.

2.5.2. Khó khăn và hạn chế :

- Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bãi bỏ một số thủ tục hải quan liên quan đến loại hình gia công, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thay đổi phương thức quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư.

- Kết quả của công tác thu thập, phân tích, đánh giá thông tin trước khi tiến hành kiểm tra có ý nghĩa rất quan trọng quyết định hiệu quả của công tác kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên, công chức không thể khai thác thu thập trước các thông tin (định mức, lượng nguyên liệu xuất dùng...)

- Công tác kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu chủ yếu kiểm tra hoạt động sản xuất, tình hình sử dụng nguyên phụ liệu, tồn kho của người khai hải quan nên phần lớn thực hiện tại trụ sở người khai hải quan. Do bị động trong công tác thu thập, phân tích, đánh giá thông tin nên công việc của công chức kiểm tra sau thông quan khi kiểm tra thực tế tại trụ sở doanh nghiệp sẽ phát sinh nhiều và phức tạp hơn.

- Thời hạn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan là 10 ngày làm việc, doanh nghiệp dùng nhiều lý do để chậm trễ cung cấp chứng từ, dùng nhiều biện pháp để đối phó với đoàn kiểm tra nên công tác đấu tranh với doanh nghiệp để đi đến thống nhất các nội dung trong bản kết luận, đảm bảo đúng thời gian quy định sẽ rất khó khăn, phức tạp.

Ngoài ra, hoạt động KTSTQ còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Công tác KTSTQ của một số đơn vị chưa thực sự quan tâm chú trọng, số thu qua KTSTQ chưa tương xứng với nguồn lực, tiềm năng của đơn vị.

- Bố trí cán bộ làm công tác KTSTQ quá ít so với yêu cầu khối lượng công việc (mỗi Chi cục chỉ có từ 01 đến 02 cán bộ).

- Số thu qua KTSTQ đối với doanh nghiệp hoạt động theo loại hình sản xuất xuất khẩu, gia công đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định, quy trình thủ tục về hoạt động nghiệp vụ KTSTQ.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KTSTQ còn hạn chế, chưa có hệ thống phần mềm, bộ tiêu chí rủi ro để lựa chọn doanh nghiệp kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật, kiểm tra theo dấu hiệu.

2.5.3. Nguyên nhân :

- Một số quy định pháp luật và quy trình thực hiện KTSTQ vẫn còn có những điểm chưa thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, một số nội dung chưa được cụ thể, sát với thực tiễn dẫn đến vướng mắc trong thực hiện.

- Lãnh đạo một số đơn vị đôi lúc chưa thực sự quan tâm đến hoạt động KTSTQ, việc bố trí cán bộ cho công tác KTSTQ còn thiếu so với yêu cầu khối lượng công việc, nhiều cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn KTSTQ.

- Việc triển khai mô hình tổ chức mới theo Quyết định số 1384/QĐ-BTC ngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính và Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/9/2016 của Bộ Tài chính đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện công tác KTSTQ trong toàn ngành trong những năm đầu thực hiện.

- Việc kiểm tra hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, Cục KTSTQ đã được quan tâm, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Hệ thống thông tin phục vụ hoạt động KTSTQ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, còn nhiều bất cập, do đó chưa đáp ứng đầy đủ kịp thời thông tin để thực hiện công tác KTSTQ. Một số cán bộ hải quan chưa chú trọng việc cập nhật kết quả KTSTQ vào hệ thống STQ01 theo quy định; vẫn còn hiện tượng đăng ký kiểm tra doanh nghiệp trên hệ thống STQ01 để bao sân, giữ doanh nghiệp.

Kết luận Chương 2

Tóm lại, hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu của toàn ngành hải quan trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về số cuộc cũng như số thuế ấn định truy thu vào ngân sách nhà nước. Về cơ bản, hoạt động kiểm tra sau thông quan đã đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan, yêu cầu thuận lợi hóa thương mại, hoạt động kiểm tra sau thông quan lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu đang phải đối mặt với một số tồn tại, khó khăn do một số nguyên nhân như đã phân tích ở phần trên. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giải pháp thật sự hữu hiệu và thiết thực nhằm từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong tình hình mới.

Chương III.

GIẢI PHÁP KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN ĐỐI VỚI

HÀNG GIA CÔNG, SẢN XUẤT XUẤT KHẨU

THEO LUẬT HẢI QUAN NĂM 2014

3.1. Bối cảnh hội nhập mới ảnh hưởng đến công tác kiểm tra sau thông quan

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế như đã nêu ở trên, hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu cũng phải đáp ứng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng đồng thời phải đảm bảo nâng cao tính tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình này, giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gia công, sản xuất hàng xuất khẩu.

3.2 Yêu cầu của các giải pháp

3. 2.1 Đảm bảo đúng pháp luật

Yêu cầu này là một yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khai hải quan, đảm bảo đúng và đủ cơ sở pháp lý cho kết luận kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan.

3. 2.2. Đảm bảo tính khả thi

Các giải pháp đề ra phải đảm bảo có khả năng thực thi được trong thực tiễn phù hợp với lượng thông tin có thể thu thập, đánh giá được; phù hợp với nguồn lực, nguồn nhân sự trong công tác kiểm tra sau thông quan của từng đơn vị hải quan.

3. 2.3. Đảm bảo tính hiệu quả

Các giải pháp đề ra cần khai thác triệt để các thông tin, dữ liệu trên các hệ thống quản lý của ngành hải quan, sử dụng các dữ liệu, số liệu có sẵn đã được bên thứ ba theo quy định của pháp luật kiểm tra, rà soát và kết luận.

3. 3. Một số giải pháp kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo Luật Hải quan năm 2014

3. 3.1. Giải pháp trong công tác thu thập, phân tích thông tin

Bước 1: Thu thập, phân tích thông tin để xây dựng kế hoạch

Khi xây dựng kế hoạch kiểm tra sau thông quan nói chung và đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu nói riêng, công tác thu thập thông tin là khâu quan trọng quyết định chất lượng một cuộc Kiểm tra sau thông quan.

Bước 2: Thu thập thông tin lưu tại cơ quan hải quan đối với từng doanh nghiệp trước khi ra quyết định kiểm tra

Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra sau thông quan đã được phê duyệt, các đơn vị hải quan tiến hành thực hiện các bước thu thập thông tin đối với từng doanh nghiệp. Việc thu thập thông tin nên được thực hiện trên cơ sở các nguồn thông tin có sẵn tại cơ quan hải quan, trong trường hợp cần thiết theo quy định mới tiến hành thu thập thông tin trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp.

Thông tin thu thập tại cơ quan hải quan sử dụng để đối chiếu với thông tin lưu tại doanh nghiệp về từng loại nguyên liệu, vật tư, thành phẩm; thống nhất về cùng một thời điểm để thuận lợi trong công tác kiểm tra, đối chiếu với thực tế tại doanh nghiệp.

Bước 3: Thu thập thông tin từ doanh nghiệp đối với từng doanh nghiệp trước khi kiểm tra :

Khi tiến hành kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, cơ quan hải quan phải vận dụng các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp về quản lý đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu như dẫn trên.

Trong trường hợp cần thiết thực hiện việc thu thập thông tin tại trụ sở người khai hải quan về quy mô doanh nghiệp, quy trình sản xuất, việc quản trị của doanh nghiệp đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu. Từ đó tiên lượng trước các công việc cần làm để bố trí nhân sự một cách phù hợp.

Bước 4: Thu thập thông tin tại doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra

Khi đến doanh nghiệp công chức yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin như sau:

a) Nhóm chỉ tiêu thông tin liên quan đến tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu

b) Nhóm thông tin liên quan đến kế toán

Bước 5: Phân tích, đánh giá thông tin:

a) Trên cơ sở số lượng, trị giá nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo tờ khai hải quan nhập khẩu (1)

b) Trên cơ sở số lượng, trị giá nguyên liệu, vật tư tái xuất theo tờ khai hải quan tái xuất (2).

c) Trên cơ sở số lượng, trị giá sản phẩm xuất khẩu theo tờ khai hải quan xuất khẩu (3).

d) Trên cơ sở định mức do doanh nghiệp cung cấp, và số lượng sản phẩm xuất khẩu, công chức quy đổi ra số lượng của từng loại nguyên liệu, vật tư tương ứng cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu (4).

đ) Tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin

đ.1) Trường hợp doanh nghiệp báo cáo quyết toán theo số lượng:

Đối chiếu số lượng của từng mã nguyên liệu, vật tư tại (1), (2) với (4) và xử lý như sau:

- Nếu Số lượng đầu kỳ + (1) - (2) > (4) --> công chức đối chiếu với số tồn kho nguyên liệu, vật tư tại kho doanh nghiệp + tồn kho trên chuyền sản xuất và xử lý như sau:

. Nếu Số lượng đầu kỳ + (1) - (2) = (4) + Số tồn tại kho + Số tồn trên chuyền sản xuất --> kết thúc kiểm tra hoặc chuyển kiểm tra sổ sách (nếu còn nghi vấn).

. Nếu Số lượng đầu kỳ + (1) - (2) < > (4) + Số tồn tại kho + Số tồn trên chuyền sản xuất --> yêu cầu doanh nghiệp giải trình.

- Nếu Số lượng đầu kỳ + (1) - (2) < (4) --> công chức chuyển kiểm tra sổ sách, hoặc kiểm tra định mức thực tế hoặc kiểm tra xuất - nhập - tồn.

đ.1) Trường hợp doanh nghiệp báo cáo quyết toán theo trị giá:

Theo chế độ kế toán, đơn giá nguyên liệu, vật tư được phản ánh trong các phát sinh Nợ của TK chi tiết 152 bao gồm giá mua, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí vận chuyển, chi phí bốc xếp, chi phí bảo hiểm...phát sinh đến khi nguyên liệu, vật tư nhập về kho của doanh nghiệp. Đơn giá này sẽ lớn hơn đơn giá mua thể hiện trên tờ khai hải quan. Ngoài ra, tỷ giá hạch toán kế toán nhập kho và tỷ giá quy đổi khi khai báo tờ khai nhập khẩu cũng khác nhau.

Do đó, Công chức làm việc với doanh nghiệp để xác định giá nhập kho nguyên liệu, vật tư của doanh nghiệp, sau khi loại trừ các khoản chi phí và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, làm cơ sở để đối chiếu số liệu trị giá của các tờ khai nhập khẩu với trị giá hạch toán trên tài khoản 152.

3.3.2 Giải pháp trong công tác kiểm tra định mức sản phẩm xuất khẩu:

Bước 1 Xác định phạm vi kiểm tra:

Trên cơ sở dữ liệu, thông tin đã thu thập được trước thời điểm kiểm, Đoàn Kiểm tra quyết định có hay không cần thiết phải kiểm tra định mức, mã sản phẩm cần kiểm tra định mức; mã nguyên liệu, vật tư cần kiểm tra.

Bước 2 Xác lập cơ sở pháp lý:

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn Kiểm tra ghi nhận trên biên bản kiểm tra việc người khai hải quan cung cấp các chứng từ, tài liệu, dữ liệu về định mức đối với các mã sản phẩm, các mã nguyên liệu, vật liệu cần kiểm tra; quy trình sản xuất đối với các mã sản phẩm cần kiểm tra; việc sử dụng các loại nguyên liệu, vật liệu trong từng công đoạn sản xuất đến khi hoàn thành sản phẩm xuất khẩu để làm cơ sở cho việc kiểm tra, đối chiếu.

Bước 3 Kiểm tra định mức thực tế:

Tùy theo các đặc tính, quy trình sản xuất của sản phẩm xuất khẩu, việc lưu trữ, quản lý các chứng từ, tài liệu, dữ liệu về định mức của người khai hải quan mà Đoàn Kiểm tra quyết định phương pháp kiểm tra định mức phù hợp. Tuy nhiên nhìn chung có các phương pháp cơ bản sau:

Phương pháp 1: Kiểm tra định mức thực tế trên cơ sở tài liệu kỹ thuật

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp nói chung, hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu nói riêng việc xây dựng định mức của từng sản phẩm sản xuất là một yêu cầu bắt buộc phục vụ cho hoạt động quản trị của doanh nghiệp để tính chi phí sản xuất, hiệu quả của hoạt động kinh doanh và thực hiện các quyền, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Các tài liệu kỹ thuật thể hiện về định mức sản phẩm xuất khẩu của người khai hải quan thông thường là các bản sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc, sơ đồ giác mẫu, tài liệu kỹ thuật, lệnh sản xuất (material list, project order, sơ đồ thiết kế mẫu, sơ đồ giác mẫu) là cơ sở để người khai hải quan thực hiện việc sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

Đoàn Kiểm tra tiến hành làm việc độc lập với từng bộ phận của doanh nghiệp (Bộ phận xuất khẩu, nhập khẩu, bộ phận sản xuất, bộ phận kho nguyên liệu, vật liệu, phế liệu, phế phẩm, thành phẩm, bộ phận kế toán) để làm rõ phương pháp tính chi phí sản xuất dở dang, phương pháp tính giá thành sản phẩm, từ đó xác định định mức thực tế có khác định mức kỹ thuật hay không?

* Ưu điểm: Việc kiểm tra thực tế định mức sẽ giúp xác định chính xác, chi tiết về tình hình sử dụng, quản lý nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp. Xác định rõ những vi phạm của doanh nghiệp trong kê khai định mức làm cơ sở để tính số tiền thuế ấn định, xử phạt vi phạm hành chính.

* Hạn chế: Với thời gian kiểm tra theo quy định là 10 ngày làm việc nên kiểm tra thực tế định mức khó có thể kiểm tra toàn bộ được tất cả các mã sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có nhiều mã sản phẩm (trên 100 mã sản phẩm). Mặt khác sẽ rất khó khăn trong việc kiểm tra đối với các mặt hàng là hóa chất, các doanh nghiệp có quy trình sản xuất phức tạp, theo một dây chuyền liên tục hoặc những doanh nghiệp không theo dõi cụ thể, rõ ràng theo từng công đoạn sản xuất.

Phương pháp 2: Kiểm tra định mức thực tế trên cơ sở lượng xuất - nhập - tồn

Kiểm tra định mức thực tế trên cơ sở lượng xuất - nhập - tồn của sản phẩm, nguyên liệu trong một giai đoạn, Đoàn Kiểm tra đề nghị doanh nghiệp cung cấp:

- Báo cáo xuất - nhập - tồn của từng sản phẩm trong một giai đoạn phù hợp với việc quản lý, theo dõi, báo cáo của doanh nghiệp (thông thường là 01 năm, 01 quý hoặc 01 tháng);

- Báo cáo xuất - nhập - tồn của từng nguyên liệu trong cùng một giai đoạn với báo cáo đối với sản phẩm trên.

Trên cơ sở đó, Đoàn Kiểm tra xác định được:

- Số lượng của từng loại sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu của từng sản phẩm trong giai đoạn kiểm tra;

- Số lượng của từng loại nguyên liệu, vật tư tham gia vào quá trình gia công, sản xuất xuất khẩu trong giai đoạn kiểm tra.

Từ đó xác định được định mức trung bình của một loại nguyên liệu, vật tư theo khai hải quan và theo thực tế tại doanh nghiệp

* Ưu điểm: Kiểm tra được định mức trong trường hợp doanh nghiệp có quy trình phức tạp, theo một dây chuyền liên tục hoặc không theo dõi cụ thể từng công đoạn gia công, sản xuất mà chỉ theo dõi lượng đầu kỳ, phát sinh trong kỳ, tồn cuối kỳ của sản phẩm và từng loại nguyên liệu.

* Hạn chế: Việc áp dụng phương pháp này phụ thuộc vào sự quản lý của doanh nghiệp phải có sự tách bạch rõ ràng giữa gia công, sản xuất xuất khẩu và hoạt động kinh doanh tiêu thụ nội địa hoặc sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu cũng chính là sản phẩm kinh doanh tiêu thụ nội địa có cùng định mức.

Phương pháp 3 Kiểm tra định mức thực tế trên cơ sở tài khoản kế toán :

Phương pháp kiểm tra này dựa trên các nguyên tắc hạch toán kế toán cơ bản của các tài khoản kế toán cụ thể:

- Tại tài khoản 152 Nguyên liệu, vật liệu: Kế toán chi tiết nguyên liệu, vật liệu phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, thứ nguyên liệu vật liệu.

Lưu ý : Căn cứ vào Sổ chi tiết từng loại nguyên liệu, vật tư, kiểm tra xem có nguyên liệu thừa, thiếu hay không? Có xuất-nhập nguyên liệu thuê ngoài gia công hay không? Có nguyên liệu thừa nhập trả lại kho hay không?

- Tại tài khoản 621 Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp: Theo từng đối tượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu trực tiếp do khi xuất nguyên liệu, vật liệu cho việc sản xuất sản phẩm xác định được cụ thể rõ ràng theo từng đối tượng sử dụng.

Thông thường doanh nghiệp xuất nguyên liệu, vật liệu vào gia công, sản xuất theo từng đơn hàng, chỉ lệnh sản xuất. Trên các đơn hàng, chỉ lệnh sản xuất thể hiện rõ số lượng, chủng loại sản phẩm cần sản xuất và lượng nguyên liệu, vật liệu xuất kho đưa vào sản xuất là cơ sở để hạch toán kế toán vào các tài khoản 152 và 621.

Trên cơ sở dữ liệu của tài khoản 152, 621 có thể xác định được:

- Lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất vào sản xuất sản phẩm xuất khẩu theo từng đơn hàng, chỉ lệnh sản xuất.

- Lượng sản phẩm đã sản xuất theo từng mã sản phẩm.

Trên cơ sở đó sẽ xác định được định mức thực tế doanh nghiệp đã đưa vào sản xuất:

Định mức thực tế sản xuất (theo dõi kế toán)

=

∑ Nguyên liệu, vật tư đưa vào sản xuất cho một mã sản phẩm

∑ Tổng số lượng sản phẩm xuất khẩu

* Ưu điểm: Kiểm tra được định mức trong trường hợp doanh nghiệp có quy trình phức tạp, theo một dây chuyền liên tục hoặc không theo dõi cụ thể từng công đoạn gia công, sản xuất mà chỉ theo dõi lượng đầu kỳ, phát sinh trong kỳ, tồn cuối kỳ của sản phẩm và từng loại nguyên liệu.

* Hạn chế: Việc áp dụng phương pháp này phụ thuộc vào sự quản lý của doanh nghiệp phải có sự tách bạch rõ ràng giữa gia công, sản xuất xuất khẩu và hoạt động kinh doanh tiêu thụ nội địa hoặc sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu cũng chính là sản phẩm kinh doanh tiêu thụ nội địa có cùng định mức.

3.3.3. Giải pháp trong kiểm tra tình hình tồn kho nguyên liệu, vật tư và hàng hóa xuất khẩu:

Yêu cầu của giải pháp này cần phải xác định được lượng nguyên vật liệu đã sử dụng, còn tồn theo các khai báo của doanh nghiệp với cơ quan hải quan để đối chiếu với thực tế với lượng tồn kho thực tế tại doanh nghiệp.

Bước 1: Xác định lượng tồn kho theo kê khai của người khai hải quan :

Phạm vi kiểm tra sau thông quan là 05 năm đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp. Khi tiến hành kiểm tra chủ động phân thành các giai đoạn để thực hiện:

- Giai đoạn trước thời điểm Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực: Thực hiện việc chốt số liệu nguyên vật liệu đã sử dụng, còn tồn trên cơ sở khai thác các phần mềm quản lý đối với sản xuất xuất khẩu của cơ quan hải quan (V4, V5) và báo cáo thanh khoản theo từng hợp đồng gia công.

- Giai đoạn sau khi Thông tư 38/2015/TT-BTC có hiệu lực: Trên cơ sở định mức do doanh nghiệp cung cấp, định mức do doanh nghiệp xây dựng phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa theo mẫu số 17/XL-HĐGC/GSQL (đối với hàng gia công), định mức do doanh nghiệp sử dụng trong hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, kết hợp với số liệu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu để tính lượng nguyên liệu đã sử dụng, còn tồn.

Để việc xác định lượng tồn kho theo kê khai hải quan được đảm bảo tính chính xác, đảm bảo cơ sở pháp lý, Đoàn Kiểm tra thực hiện:

- Ghi nhận trên biên bản kiểm tra việc cung cấp chứng từ, tài liệu, dữ liệu về định mức sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu để làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra, đối chiếu;

- Tổng hợp số liệu các tờ khai nhập khẩu, xuất khẩu theo các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu trên cơ sở đó xác định tổng lượng nhập khẩu đối với từng loại nguyên liệu, vật liệu; Xác định lượng sản phẩm xuất khẩu đối với từng mã sản phẩm;

- Tổng hợp số liệu tồn cần theo dõi tiếp đối với từng nguyên liệu theo các hồ sơ không thu, hoàn thuế, thanh khoản, quyết toán; Kiểm tra tính đầy đủ của các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu doanh nghiệp đã đưa vào các hồ sơ không thu, hoàn thuế, thanh khoản, quyết toán.

Trên cơ sở đó xác định lượng tồn theo kê khai với cơ quan Hải quan của doanh nghiệp theo từng mã nguyên liệu, vật liệu:

Tồn nguyên liệu theo khai hải quan

==

Tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu

--

∑ Định mức sản phẩm * Số lượng sản phẩm xuất khẩu

Bước 2: Xác định lượng tồn kho thực tế tại trụ sở người khai hải quan :

Sau khi xác định được lượng nguyên vật liệu đã sử dụng, còn tồn theo các khai báo của doanh nghiệp với cơ quan hải quan theo từng giai đoạn trên thực hiện xác định lượng tồn kho thực tế tại doanh nghiệp theo 01 trong 02 cách thức sau:

Cách thứ 1 : Xác định lượng tồn kho thực tế trên cơ sở kiểm tra thực tế tồn kho tại thời điểm kiểm tra

Ưu điểm : Phản ánh đúng thực tế hàng hóa tồn kho tại một thời điểm của doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra là cơ sở pháp lý cho việc quyết định có hay không thực hiện ấn định thuế trong trường hợp có phát sinh chênh lệch, đặc biệt là đối với doanh nghiệp chế xuất.

Nhược điểm : Nhiều trường hợp chỉ tiến hành kiểm tra đại diện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro đối với một số mã sản phẩm, mã nguyên liệu, vật liệu cụ thể, không thể tiến hành kiểm tra toàn diện đối với toàn bộ sản phẩm, nguyên liệu tồn kho tại doanh nghiệp.

Việc kiểm tra thực tế ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gia công của doanh nghiệp. Mặt khác đối với doanh nghiệp lớn việc kiểm tra thực tế một cách thủ công do công chức hải quan thực hiện trong một thời gian nhất định khó có thể đảm bảo tính chính xác, đầy đủ.

Cách thứ 2 : Xác định lượng tồn kho thực tế tại doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng báo cáo quyết toán đã được kiểm toán độc lập

* Ưu điểm: Xác định được một cách tổng thể toàn bộ tình hình quản lý, sử dụng nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp. Số liệu do chính doanh nghiệp đã kê khai, tự tính toán và đã được cơ quan kiểm toán xác nhận do đó doanh nghiệp dễ dàng đồng thuận và chấp hành các quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan.

* Hạn chế: Việc xác định lượng tồn theo các kê khai của doanh nghiệp với cơ quan hải quan trong nhiều trường hợp phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian. Mặt khác do việc so sánh, đối chiếu số liệu mang tính tổng thể nên khó có thể xác định doanh nghiệp có hành vi vi phạm cụ thể để làm cơ sở xử phạt doanh nghiệp.

Bước 3 : Xác định chênh lệch:

Chênh lệch giữa tồn kho theo kê khai của người khai hải quan và tồn kho thực tế tại doanh nghiệp được xác định:

Chênh lệch lượng NVL tồn kho (theo từng mã NVL)

==

Lượng tồn kho NVL tại doanh nghiệp (theo từng mã NVL)

+-

Lượng tồn kho theo kê khai hải quan (theo từng mã NVL)

3.4 Kiến nghị nhằm nâng cao tính hiệu quả của các giải pháp

3.4.1. Hoàn thiện pháp luật đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

- Xây dựng các quy định tạo sự thuận lợi nhất, ưu đãi nhất cho người khai hải quan khi tham gia, đồng thời cũng xây dựng được phương pháp quản lý hải quan hiệu quả đối với các hoạt động này, hạn chế tối đa việc lợi dụng để gian lận, trốn thuế làm thất thu Ngân sách nhà nước.

- Quy định quản lý về lượng và định mức của người khai hải quan, không quản lý theo trị giá. Mẫu báo cáo quyết toán trên cơ sở là theo dõi theo số lượng, trọng lượng (chi tiết tài khoản 152, tài khoản 155) và phản ánh đầy đủ sản phẩm dở dang (chi tiết tài khoản 154).

- Quy định việc quản lý của cơ quan hải quan sát với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó mới kịp thời phát hiện các gian lận, tiêu thụ nội địa, để có biện pháp xử lý ngay, không để đến khi kiểm tra sau thông quan, một số doanh nghiệp đã giải thể, không còn tồn tại, thất thu thuế cho Ngân sách Nhà nước. Pháp luật về hải quan cần điều chỉnh quy định doanh nghiệp khai báo một số thông tin như sau:

+ Quy định doanh nghiệp khai báo mã nguyên liệu, vật tư trên tờ khai hải quan nhập khẩu, phù hợp với mã nguyên liệu, vật tư theo dõi tại kho nguyên liệu, vật tư và sổ kế toán chi tiết nguyên liệu, vật tư tại doanh nghiệp;

+ Quy định doanh nghiệp khai báo mã sản phẩm trên tờ khai xuất khẩu, phù hợp với mã sản phẩm theo dõi tại kho thành phẩm và sổ kế toán chi tiết thành phẩm tại doanh nghiệp;

+ Quy định doanh nghiệp hạch toán kế toán tách nguồn nguyên liệu, vật tư theo các tiêu chí như sau: nhập khẩu (SXXK - E31, E21; kinh doanh A12; khác: H11) hoặc mua trong nước (hoá đơn GTGT);

+ Quy định doanh nghiệp hạch toán kế toán tách nguồn sản phẩm xuất khẩu (doanh thu xuất khẩu) hoặc sản phẩm bán nội địa (doanh thu nội địa) hoặc doanh thu khác (bán phế liệu, phế phẩm).

+ Quy định số liệu báo cáo quyết toán đối với nguyên liệu, vật tư tách theo các tiêu chí như sau: Trị giá mua nguyên liệu, vật tư; Trị giá chi phí cộng vào giá nhập kho nguyên liệu, vật tư (nếu có); Chênh lệch tỷ giá giữa tỷ giá hạch toán nhập kho nguyên liệu, vật tư với tỷ giá khai báo hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư.

+ Quy định số liệu báo cáo quyết toán đối với thành phẩm tách theo các tiêu chí như sau: Trị giá thành phẩm; Trị giá bán thành phẩm (sản phẩm dở dang).

- Kết quả kiểm tra sau thông quan phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp có hay không thực hiện tốt trách nhiệm lưu trữ hồ sơ, chứng từ và cung cấp hồ sơ chứng từ cho cơ quan hải quan; Lập và lưu trữ sổ chi tiết nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; Lập và lưu trữ sổ chi tiết sản phẩm xuất kho để xuất khẩu; theo đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Do đó cần xây dựng chế tài phù hợp nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ này.

3.4.2. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Quản lý hải quan tốt đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu cần có đầy đủ thông tin phản ánh quá trình từ khi nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu sau đó chuyển gia công, sản xuất xuất khẩu với một định mức nhất định và cuối cùng là xuất khẩu sản phẩm. Việc cơ quan hải quan thiếu những thông tin cần thiết sẽ dẫn đến bị động trong quản lý, khó khăn trong triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Vì vậy cần quan tâm đầu tư, xây dựng mới hoặc nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu hiện hành để phục vụ công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu để đáp ứng phương thức quản lý mới.

3.4.3 Nâng cao trình độ công chức kiểm tra sau thông quan

- Tập trung đào tạo đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan các kiến thức cơ bản như kiến thức về kế toán, kiểm toán, ngoại thương, thương mại, thanh toán, điều tra, thanh tra thuế, nghiệp vụ KTSTQ….kết hợp với đào tạo theo các chuyên đề về kiểm tra sau thông quan, trong đó có chuyên đề riêng đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu.

- Đào tạo chuyên sâu cho một bộ phận để làm nòng cốt trong hoạt động nghiệp vụ và đào tạo chuyên gia, giảng viên để đào tạo lại cho các cán bộ ở các bộ phận khác của đơn vị gồm các kiến thức chuyên sâu tại các lĩnh vực như trên nhưng ở trình độ cao và các nghiệp vụ khác như kiểm toán, giám định tài liệu, công nghệ thông tin, kỹ năng tham vấn…

Ngoài các hình thức đào tạo như nói trên, việc phổ biến kiến thức còn có thể thực hiện thông qua hình thức hội thảo hàng năm lực lượng kiểm tra sau thông quan trong toàn ngành để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Việc xây dựng cẩm nang, sổ tay về công tác kiểm tra sau thông quan trong đó cụ thể theo từng chuyên đề sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công chức hải quan, đặc biệt là các công chức mới tham gia công tác kiểm tra sau thông quan.

3.4.4. Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả

Kiểm tra sau thông quan là một nghiệp vụ quan trọng không tách rời với các nghiệp vụ liên quan khác như: kiểm tra trước thông quan, kiểm tra trong thông quan, điều tra chống buôn lậu… cho nên, một yếu tố không kém phần quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra sau thông quan chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu trong và sau thông quan, do đó cần:

Phối hợp với lực lượng kiểm soát hải quan, quản lý rủi ro

Phối hợp với lực lượng công nghệ thông tin

Phối hợp với các lực lượng trong thông quan

Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các đơn vị ngoài ngành : như Ngân hàng, Kiểm toán, Công an… sẽ tránh được sự chồng chéo trong kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà Nước cũng như tạo ra cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình thu thập và xử lý thông tin về đối tượng kiểm tra sau thông quan một cách chính xác, hiệu quả.

Kết luận Chương 3

Trên cơ sở quán triệt yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại của hệ thống trong thời gian qua, đồng thời cũng cố, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian tới. Các giải pháp trên có mối quan hệ hữu cơ tác động qua lại lẫn nhau, giải pháp trước là điều kiện tiền đề, là yếu tố đảm bảo để thực hiện các giải pháp sau, ngược lại giải pháp sau góp phần cũng cố hoàn thiện các giải pháp trước. Vì vậy, việc triển khai thực hiện các giải pháp phải được tiến hành một cách đồng bộ, không được đề cao hay xem nhẹ bất kỳ một giải pháp nào và phải được thực hiện theo một lộ trình đã được định sẵn.

KẾT LUẬN

Hoạt động kiểm tra, giám sát của hải quan hiện đại luôn đòi hỏi CBCC ngành Hải quan tinh thông về nghiệp vụ, nắm vững quy định của pháp luật, đồng thời phải có kỹ năng nắm bắt tốt tình hình, thông hiểu hoạt động mua bán trên thị trường để có các quyết định đúng đắn trong quá trình thi hành công vụ. Đặc biệt CBCC làm nhiệm vụ KTSTQ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu càng đòi hỏi phải thường xuyên liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức, bổ sung kinh nghiệm, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK, tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đối với hàng hóa XNk nói chung, hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu nói riêng. KTSTQ là hoạt động có tính chất đặc thù, có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay nhưng lại là nghiệp vụ cực kỳ phức tạp của hải quan ở bất cứ quốc gia nào. KTSTQ đối với hàng xuất nhập khẩu có những đặc thù và khó khăn riêng, nhất là đối với các nước có điều kiện kinh tế, trình độ phát triển thấp như Việt Nam. Việc nghiên cứu đề tài kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh toàn ngành Hải quan đẩy mạnh công tác cải cách, hiện đại hóa nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra sau thông quan, hoàn thiện phương pháp, kỹ năng, nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu cho công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan, giúp Doanh nghiệp thấy được các lỗ hổng trong quản lý làm ảnh hưởng đến tính tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế của Doanh nghiệp (Đây mới thực sự là mục tiêu xuyên suốt của lực lượng kiểm tra sau thông quan hiện đại : chuyên nghiệp-minh bạch-hiệu quả)

https://www.haiquanvietnam.com/2022/04/kiem-tra-sau-thong-quan-doi-voi-hang-gia-cong-san-xuat-xuat-khau-theo-quy-dinh-cua-luat-hai-quan-2014-va-cac-van-ban-huong-dan-thi-hanh.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn