Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

10-N2016: Nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

{toc} $title={Xem nhanh}

LỜI MỞ ĐẦU

  1. Sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài

Trong xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Quá trình hội nhập hội kinh tế đem lại cho Việt nam rất nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực thúc đẩy thương mại phát triển nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có ngành Hải quan. Hải quan Việt Nam vừa phải thực hiện các cam kết tạo thuận lợi cho thương mại, vừa phải đảm bảo hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng nhanh chóng.

Trong bối cảnh hàng hóa đa dạng được sản xuất qua nhiều công đoạn tại nhiều quốc gia khác nhau qua chuỗi cung ứng toàn cầu, gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng gia tăng, với các thủ đoạn phức tạp và tinh vi hơn, trong đó có gian lận về xuất xứ hàng hóa nhằm lợi dụng chính sách ưu đãi thuế quan của nước nhập khẩu dành cho nước xuất khẩu. Để ngăn chặn, phát hiện gian lận về xuất xứ hàng hóa, một trong các phương pháp hữu hiệu là kiểm tra sau thông quan. Vì vậy, nhóm nghiên cứu thấy rất cần thiết triển khai nghiên cứu đề tài " Nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu" - Mã số 10-N2016 để tổng kết, đánh giá hoạt động KTSTQ xuất xứ hàng hóa hiện nay từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng:

a. Nhóm vấn đề quy định có liên quan đến xuất xứ hàng hóa (Hiệp định, Nghị định, Thông tư, Quy trình…):

- Quy định trong giai đoạn trước kia (giai đoạn từ 2012- 9/2016)

- Quy định hiện hành đang có hiệu lực.

- Quy định dự kiến được ký kết và ban hành trong thời gian tới.

b. Kết quả các khâu kiểm tra trong thông quan và các cuộc kiểm tra sau thông quan có liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

- Các kết quả kiểm tra phát hiện tại khâu kiểm tra sau thông quan tại cơ quan hải quan.

- Các kết quả kiểm tra phát hiện tại khâu kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp. [k1] [k2]

2.2. Phạm vi nghiên cứu: Các quy định về xuất xứ, các kết quả kiểm tra về xuất xứ, cách thức xử lý kết quả kiểm tra.

3. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

3.1. Cơ sở lý luận:

Dựa trên quy định và thực tiễn công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa.

3.2. Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết (các quy định)

- Phương pháp tổng hợp và hệ thống hóa các quy định pháp luật.

- Phương pháp thu thập số liệu từ những hồ sơ thực tế.

- Phương pháp mô hình hóa.

- Phương pháp quan sát.

- Phương pháp lấy mẫu, phân tích, đánh giá.

- Phương pháp phân tích và tổng hợp kinh nghiệm trong thực tế.

- Phương pháp chuyên gia.

- Phương pháp dự báo tình huống và xử lý ứng biến…

4. Những điểm mới của đề tài:

- Đưa ra được bức tranh tổng thể các quy định có liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong cả một quá trình.

- Đánh giá thực trạng công tác kiểm tra và xử lý liên quan đến xuất xứ.

- Phân tích nguyên nhân, những tồn tại: Về quy định, về cơ cấu tổ chức, về nguồn nhân lực, về cách thức xử lý quan điểm xử lý.

- Đưa ra giải pháp, hướng xử lý các nguyên nhân và định hướng để hoàn thiện công tác kiểm tra về xuất xứ.

5. Ý nghĩa của đề tài: Phân tích thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa từ đó tìm hiểu đi vào phân tích rõ nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp đồng bộ, có thể áp dụng ngay trong thực hiện hoạt động của ngành hải quan. Những cán bộ hải quan quan tâm qua đây là tài liệu có thể rút ngắn thời gian nhanh chóng tiếp cận, hiểu và ứng dụng ngay.

CHƯƠNG 1:

LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUẤT XỨ HÀNG HÓA VÀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN VỀ XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

1.1. Một số lý luận chung về xuất xứ hàng hóa XNK

1.1.1. Khái niệm về xuất xứ hàng hóa và quy tắc xuất xứ

1.1.1.1. Khái niệm về xuất xứ hàng hóa

Xuất xứ hàng hoá là một khái niệm tương đối, dùng để chỉ quốc gia, vùng, lãnh thổ nguồn gốc nơi hàng hoá được tạo ra. Theo Phụ lục chuyên đề K của Công ước quốc tế về hài hoà và đơn giản hoá thủ tục hải quan KYOTO (sửa đổi và bổ sung), xuất xứ hàng hoá "là nước tại đó hàng hoá được chế biến hoặc sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng trong biểu thuế hải quan, giới hạn về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại".

Theo khoản 4 Điều 13 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam, xuất xứ hàng hoá được định nghĩa như sau: "Là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hoá đó".

Như vậy, tuy có khác nhau trong việc sử dụng từ ngữ, nhưng hai định nghĩa của quốc tế và quốc gia có cùng nghĩa với nhau.

1.1.1.2. Khái niệm về quy tắc xuất xứ

Theo Công ước Kyoto định nghĩa về quy tắc xuất xứ như sau: "Quy tắc xuất xứ được bao gồm các quy định cụ thể trong luật pháp quốc gia hoặc các hiệp định quốc tế để xác định xuất xứ của hàng hóa ". Hay nói một các đơn giản, quy tắc xuất xứ bao gồm luật, quy định và các quyết định hành chính để xác định nước xuất xứ của hàng hóa.

1. 1.2. Khái niệm về chứng từ chứng nhận xuất xứ

Chứng từ chứng nhận xuất xứ là văn bản chỉ rõ xuất xứ của hàng hóa. Chứng từ chứng nhận xuất xứ được chia ra làm hai loại: giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

1.1.3. Mục tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực Hải quan về xuất xứ hàng hóa

Thứ nhất : Đảm bảo số liệu thống kê thương mại chính xác. Kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhằm cung cấp và đảm bảo số liệu chính xác thông qua việc kiểm soát số lượng hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ đâu, giúp các cơ quan thương mại có thể duy trì hệ thống hạn ngạch

Thứ hai : Đảm bảo áp dụng chính sách thuế quan phù hợp. Đây là mục tiêu chính, bởi chính sách thương mại của các quốc gia và các thoả thuận thương mại khu vực cụ thể đôi khi có sự phân biệt.

Thứ ba : Đảm bảo áp dụng chính sách thương mại phù hợp.

Thứ tư : Chống gian lận xuất xứ hàng hoá, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

1.2. Cơ sở pháp lý điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa

1.2.1. Cơ sở pháp lý quốc tế

Kiểm tra xuất xứ hàng hoá là một trong những nội dung cơ bản của kiểm tra hải quan đối với hàng hoá. Kiểm tra hải quan để xác định xuất xứ hàng hoá, hoạt động kiểm tra phải căn cứ vào các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa đối chiếu với thực tế hàng hoá, hồ sơ hải quan, chứng từ chứng nhận xuất xứ và những thông tin có liên quan đến hàng hoá.

1.2.2. Cơ sở pháp lý quốc gia

Ngoài việc phải nắm vững các quy định, thông lệ của thế giới và khu vực về kiểm tra và quản lý xuất xứ hàng hóa XNK thì chúng ta phải nắm vững quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

1. 3. Kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

1.3.1. Khái niệm kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

Theo chuẩn mực E3./F4., chương 2, phụ lục chung của Công ước Kyoto sửa đổi có đưa ra định nghĩa về kiểm tra sau thông quan như sau: " Kiểm tra sau thông quan hay kiểm tra trên cơ sở kiểm toán là các biện pháp được cơ quan hải quan tiến hành nhằm thỏa mãn các mục đích trong việc xác định tính chính xác và trung thực của các tờ khai hàng hóa thông qua kiểm tra các chứng từ, sổ sách, hệ thống kế toán và dữ liệu thương mại của các bên liên quan ".

1.3.2. Đối tượng kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

- Hồ sơ hải quan đang lưu giữ tại trụ sở doanh nghiệp và đơn vị hải quan làm thủ tục hải quan cho hàng hóa liên quan.

- Chứng từ, tài liệu liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã được thông quan như sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu, dữ liệu liên quan, do doanh nghiệp lưu giữ ở dạng giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử.

- Hàng hóa, nơi sản xuất nếu cần thiết và còn điều kiện.

1.3.3. Quy trình kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

- Bước 1: Thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ kiểm tra sau thông quan

- Bước 2: Xác định đối tượng kiểm tra, quyết định kiểm tra

- Bước 3: Thực hiện kiểm tra

- Bước 4: Xử lý các công việc liên quan đến kết quả kiểm tra

- Bước 5: Theo dõi, báo cáo, phản hồi, cập nhật thông tin và lưu trữ hồ sơ

1.3. 4. Nội dung kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

Ngoài việc tuân thủ quy định về kiểm tra sau thông quan tại quy trình 1410/QĐ-TCHQ ngày 14/5/2015 của Tổng cục Hải quan thì cán bộ sau thông quan khi kiểm tra sau thông quan sẽ kiểm tra nội dung về xuất xứ theo quy trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo quyết định số 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

1.3.5. Vai trò của kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

Kiểm tra sau thông quan là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của việc khai hải quan, sự tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan của các tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, gian lận thuế, vi phạm chính sách quản lý xuất nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.

CHƯƠNG 2:

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN VỀ XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

2.1. Tình hình kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa và các sai sót/vi phạm về xuất xứ hàng hóa trong thời gian qua

2.1.1. Số liệu báo cáo

Giai đoạn từ 01/01/2013 - 12/2015: công tác KTSTQ về xuất xứ hàng hóa còn rất nhiều hạn chế từ số cuộc KTSTQ đến số thu, đã có 24/34 đơn vị (chiếm 70,6%) chưa phát sinh cuộc kiểm tra nào có liên quan đến lĩnh vực xuất xứ hàng hóa (C/O).

- Tổng số cuộc KTSTQ về xuất xứ: 54 cuộc (trong đó có 25 cuộc kiểm tra tại trụ sở HQ; 29 cuộc kiểm tra tại trụ sở DN).

- Tổng số tiền thuế ấn định: 85.639.321.454 đồng; trong đó Cục HQ Hà nội ấn định trên 78 tỷ đồng, Cục HQ Hồ Chí Minh ấn định 4,35 tỷ đồng, Cục HQ Hà Giang ấn định trên 1 tỷ đồng.

Hoạt động KTSTQ năm 2016, bên cạnh những kết quả đã đạt được như hoạt động KTSTQ theo các lĩnh vực đã được chú trọng, đặc biệt số thu qua lĩnh vực kiểm tra trị giá đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; kết quả KTSTQ về xuất xứ hàng hóa, tạm nhập tái xuất… còn hạn chế.

c. Kết quả công tác KTSTQ 6 tháng đầu năm 2017, theo số liệu báo cáo của 30 đơn vị, đã tiến hành 5.306 cuộc kiểm tra.

2.1.2. Một số vi phạm/sai sót về xuất xứ hàng hóa đã phát hiện qua công tác KTSTQ trong thời gian qua

Qua kết quả KTSTQ đã phát hiện nhiều sai sót về C/O, các sai sót được chia theo các nhóm như sau:

2.1.2.1. Nhóm 1: Những sai sót khác biệt nhỏ trên C/O nhưng không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O và bản chất xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 26, Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, cụ thể như sau:

- Lỗi chính tả hoặc đánh máy;

- Khác biệt trong cách đánh dấu tại các ô trên C/O: đánh dấu bằng máy hoặc bằng tay, đánh dấu bằng "x" hay "√", nhầm lẫn trong việc đánh dấu;

- Khác biệt nhỏ giữa chữ ký trên C/O và chữ ký mẫu;

- Khác biệt về đơn vị đo lường trên C/O và các chứng từ khác (hóa đơn, vận tải đơn,…);

- Sự khác biệt giữa khổ giấy của C/O nộp cho cơ quan hải quan với mẫu C/O theo quy định;

- Sự khác biệt về màu mực (đen hoặc xanh) của các nội dung khai báo trên C/O;

- Sự khác biệt nhỏ trong mô tả hàng hóa trên chứng từ chứng nhận xuất xứ và chứng từ khác;

- Sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa.

2.1.2.2. Nhóm 2: Nhóm những sai sót liên quan đến những nội dung quan trọng quy định bắt buộc trên C/O

a. Các tiêu chí xuất xứ:

- C/O mẫu E cấp tiêu chí WO đối với những mặt hàng như ô tô, máy kéo, máy móc thiết bị. (theo quy định thì những mặt hàng khó thỏa mãn được và nếu có thật thì việc chứng minh là khó khả thi? Vậy căn cứ vào đâu để cơ quan cấp tiêu chí WO).

- Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ trong Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR), tuy nhiên tự áp dụng tiêu chí xuất xứ trong Quy tắc chung. Ví dụ: C/O form D, trong PSR tiêu chí xuất xứ yêu cầu phải đáp ứng là CC, trên C/O tại ô tiêu chí xuất xứ (ô số 8) thể hiện là CTH. Doanh nghiệp lập luận rằng theo Quy tắc chung, tiêu chí xuất xứ yêu cầu là CTH hoặc RVC (40) nên C/O đáp ứng yêu cầu về xuất xứ.

- Thể hiện tiêu chí xuất xứ không đúng với quy chế cấp C/O. Ví dụ như: đối với C/O form D, tại ô tiêu chí xuất xứ thể hiện là CTC. Tuy nhiên theo hướng dẫn về cách thể hiện tiêu chí xuất xứ tại mặt sau của C/O form D yêu cầu: trong trường hợp chuyển đổi mã số hàng hóa cần thể hiện rõ cấp độ chuyển đổi là CC (chuyển đổi chương), CTH (chuyển đổi nhóm) hay CTSH (chuyển đổi phân nhóm). Do đó việc thể hiện là CTC đối với C/O form D là không đáp ứng yêu cầu.

- Hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng lại lập luận là do nhầm lẫn trong cách thể hiện tiêu chí xuất xứ. Ví dụ, trong PSR yêu cầu tiêu chí xuất xứ phải đáp ứng là CC, trên C/O tiêu chí xuất xứ thể hiện là CTH. Tuy nhiên doanh nghiệp cho rằng đó là do nhầm lẫn trong cách thể hiện tiêu chí xuất xứ.

b. Quy chế cấp C/O:

- Thiếu thông tin thể hiện trên C/O:

+ Trên C/O không có dấu và chữ ký của người xin cấp C/O tại ô số 11.

+ Không mô tả hàng hóa hoặc mô tả hàng hóa trên C/O khác với hàng hóa thực tế nhập khẩu.

+ Trên C/O không ghi ngày cấp ở ô số 12 của C/O;

+ Trên C/O không thể hiện số hóa đơn

+ Trên C/O không ghi tên nước và công ty phát hành hóa đơn nước thứ 3, không đánh dấu vào ô hóa đơn bên thứ ba.

+ C/O cấp không có tiêu chí số lượng hàng hóa

+ Trên C/O giáp lưng không thể hiện một số thông tin như tên tổ chức cấp C/O mẫu E gốc, ngày cấp và số tham chiếu của C/O mẫu E gốc.

+ Trên C/O không đánh dấu vào ô "Issued Retroactively" trong trường hợp cấp sau.

- Thông tin trên C/O không phù hợp với các chứng từ thương mại:

+ Khác tên người xuất khẩu trên hồ sơ hải quan, khác địa chỉ của người nhập khẩu, tên giữa ô số 1 và ô số 11 khác nhau.

+ Khác biệt về số, ngày hóa đơn thương mại trên C/O khác với số, ngày hóa đơn trong bộ hồ sơ hải quan.

Ví dụ: Hồ sơ doanh nghiệp xuất trình bao gồm hóa đơn thương mại kiêm phiếu đóng gói số 193/IV-HT ngày 27/09/2013, nhưng trên C/O thể hiện ngày hóa đơn là 30/9/2013 và số hoá đơn không trùng khớp.

+ Cùng một loại hàng hóa, được cấp tại cùng một phòng cấp và do cùng một người ký nhưng C/O cấp cho các doanh nghiệp khác nhau có tên hàng ghi trên C/O khác nhau và tên hàng không phù hợp với hàng hóa trên hóa đơn thương mại;

+ Tên của hàng hóa nhập khẩu trên C/O ghi sai so với tên hàng trên hóa đơn thương mại;

+ C/O form E, đối với trường hợp hóa đơn bên thứ ba, invoice nước thứ 3 yêu cầu thể hiện tại ô số 10 nhưng trên ô số 10 không thể hiện số hóa đơn của nước thứ 3 mà lại thể hiện hóa đơn của bản thân người xuất khẩu không phù hợp với số hóa đơn trong hồ sơ hải quan.

- Chữ ký và con dấu không đúng:

+ Trên C/O không có chữ kí, dấu ở ô số 12 hoặc chữ kí, dấu không giống với chữ kí, dấu được đăng ký của tổ chức cấp C/O được thông báo cho các nước thành viên theo quy định của Hiệp định.

+ Chữ ký phải là chũ ký bằng tay nhưng lại dùng chữ ký đóng dấu in sẵn.

+ C/O được cấp không hợp lệ, cơ quan cấp C/O ghi chú tại ô số 4 của C/O mà theo quy định ô số 4 của cơ quan hải quan nước nhập khẩu ghi.

- C/O được cấp nhưng vi phạm một số quy chế cấp đã ký kết:

+ Hóa đơn thương mại đã xác định được số tham chiếu của C/O tương ứng (in số tham chiếu tại góc bên trên của hóa đơn thương mại) mà theo quy định C/O cấp dựa trên invoice vậy invoice phải có trước, C/O có sau nhưng hồ sơ lại thể hiện ngược lại.

+ Trong hồ sơ hải quan ngoài bản chính C/O ORIGINAL còn nộp kèm theo bản chính DUPLICATE mà theo quy định bản DUPLICATE do tổ chức cấp C/O lưu,...

+ Cùng một hóa đơn thương mại nhưng được dùng để đăng ký cấp cho 02 C/O mẫu E có số tham chiếu khác nhau, nội dung trên 02 C/O mẫu E là giống hệt nhau.

+ Lỗi dịch thuật tên hàng trên C/O mẫu E không có nghĩa và không phù hợp với khai báo trên tờ khai Hải quan.

Ví dụ: Mặt hàng nhập khẩu là máy mát xa nhưng tên trên C/O lại khai báo là Messenger.

Ví dụ trên C/O tên hàng là TIPPER 9 xe tải tự đổ nhưng hồ sơ mô tả hàng lại là chassic có buồng lái.

+ C/O có phụ lục chi tiết mặt hàng (in bằng giấy thường) kèm theo C/O gốc (bản giấy cácbon) nhưng không có số tham chiếu C/O trên phụ lục.

c. Quy định về vận chuyển trực tiếp:

- Đối với trường hợp hàng hóa quá cảnh qua một nước thứ ba không phải là thành viên, doanh nghiệp không xuất trình được tài liệu chứng minh thể hiện hàng được giữ nguyên trạng trong vận chuyển hoặc nơi cấp vận đơn không phải từ nước xuất khẩu của hàng hóa.

- Trên vận đơn thể hiện hàng đi từ Hồng Kông nhưng lại cấp C/O form E ghi đi từ Quảng Châu.

2.1.2.3. Nhóm 3: Trường hợp những sai sót nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ C/O nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối, cần xác minh lại

Những sai sót không được liệt kê vào nhóm sai sót nhỏ nhưng cũng không phải là nội dung được quy định rõ ràng tại các quy định của văn bản quy định pháp luật, hiệp định đã ký kết.

Ví dụ:

- Đối với trường hợp thời gian xếp hàng lên tàu trên C/O khác hẳn thời gian xếp hàng lên tàu trên bill loading trong trường hợp C/O cấp sau.

- Khác biệt về trị giá hàng trên C/O với trên hợp đồng, tờ khai đối trường hợp có tiêu chí RVC.

Ví dụ: Trị giá trên C/O thể hiện 500 USD, khác với trị giá thể hiện trên Invoice, P/L, tờ khai 640 USD

- Khác biệt về kích cỡ, quy cách hàng hóa.

Ví dụ: Trên C/O. Kích thước thể hiện ống thép phi 15/20cm, khác với kích thước khổ thể hiện trên Invoice, P/L, tờ khai ghi tấm thép khổ 10-15cm.

- C/O form D của Singapore cấp nhưng hàng hóa không được khai thác, gia công sản xuất ở Singapore mà Singapore chỉ là người mua hàng sau đó bán lại.

- Các mặt hàng trên bộ chứng từ và trên C/O lộn xộn không giống nhau về thứ tự trong khi rất nhiều mặt hàng (hàng trăm dòng hàng khác nhau) muốn kiểm tra đối chiếu trong thời gian quy định thông quan là không thể thực hiện được.

2.2. Thực trạng công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

2.2.1. Thực trạng về cơ sở pháp lý

Hệ thống văn bản chung

- Luật Hải quan;

- Luật Thương mại;

- Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về xuất xứ hàng hóa;

- Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa;

- Thông tư số 07/2006/TT-BTM ngày 17/4/2006 của Bộ Thương mại về hướng dẫn thủ tục cấp và quản lý việc cấp C/O;

- Thông tư 08/2006/TT-BTM ngày 17/4/2006 của Bộ Thương mại hướng dẫn cách xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có xuất xứ không thuần túy theo Nghị định số 19/2006/NĐ-CP; Thông tư 10/2006/TT-BTM ngày 1/6/2006 của Bộ Thương mại sửa đổi Thông tư 08;

- Thông tư 06/2011/TT-BCT ngày 21/3/2011 của Bộ Công thương quy định thủ tục cấp giấy chứng xuất xứ hàng hóa ưu đãi; Thông tư 01/2013/TT-BCT ngày 3/1/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2011/TT-BCT ngày 21/3/2011 quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận hàng hóa xuất xứ ưu đãi;

- Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 hướng dẫn về thủ tục HQ, kiểm tra GS HQ; thuế XNK và QL thuế đ/v hàng hoá XNK;

- Thông tư 28/2015/TT-BCT về thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN;

- Quyết định 4286/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2015 của Tổng cục Hải quan về quy trình kiểm tra xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành thực hiện các Hiệp định thương mại tự do .

(1) Văn bản pháp luật thực hiện Hiệp định thương mại ATIGA (C/O mẫu D.

(2) Văn bản pháp luật thực hiện FTA ASEAN-Trung Quốc (C/O mẫu E):

(3) Văn bản pháp luật thực hiện FTA ASEAN - Hàn Quốc (C/O mẫu AK):

(4) Văn bản pháp luật thực hiện FTA ASEAN - Nhật Bản (C/O mẫu AJ):

(5) Văn bản pháp luật thực hiện FTA-ASEAN - Australia - New-Zealand (C/O mẫu AANZ):

(6) Văn bản pháp luật thực hiện FTA ASEAN - Ấn Độ (C/O mẫu AI):

(7) Văn bản pháp luật thực hiện FTA Việt-Nhật (C/O mẫu VJ):

(8) Văn bản pháp luật thực hiện FTA Việt Nam-Chi Lê (mẫu VC):

(9) Văn bản pháp luật thực hiện FTA Việt Nam-Hàn Quốc (mẫu VK/KV):

(10) Văn bản pháp luật thực hiện FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (mẫu EAV):

2.2.2. Thực trạng quy trình kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

2.2.2.1. Lựa chọn đối tượng kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hoá nhập khẩu

Ngay từ khâu xác định đối tượng kiểm tra thì các trường hợp thực hiện lựa chọn để xác định ngay từ khâu đề xuất là kiểm tra chủ yếu về xuất xứ chưa nhiều, đa phần là trường hợp kiểm tra tuân thủ, đề xuất kiểm tra tra các nội dung khác như mã, giá qua thực tế kiểm tra mới phát hiện thêm việc sai sót về xuất xứ hàng hóa và ấn định thêm về xuất xứ hàng hóa.

2.2.2.2.Thực hiện kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hoá nhập khẩu

Thực tế cả khâu thông quan và sau thông quan hiện nay chỉ đang dừng lại tại việc kiểm tra hình thức của C/O (kiểm tra đầy đủ các nội dung được ghi C/O so với chứng từ trong bộ hồ sơ) chưa kiểm tra về bản chất hàng hóa đó có đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định không như: kiểm tra xem có đáp ứng được quy tắc cụ thể mặt hàng, quy tắc chung về chuyển đổi căn bản hoặc kiểm tra xem có vi phạm quy chế cấp, quy tắc vận chuyển hay không còn hạn chế.

2.2.2.3. Xử lý kết quả kiểm tra

Quan điểm xử lý còn chưa thống nhất, mỗi nơi xử lý một cách khác nhau với những quan điểm, lập luận riêng.

2.2.2.4. Nội dung xử phạt khi phát hiện sai sót xuất xứ hàng hoá nhập khẩu:

Hiện tại về việc xử phạt không thống nhất nhau, mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau.

a. Quan điểm cứ sai không biết sai gì miễn là không chấp nhận C/O được hưởng ưu đãi đặc biệt thì đã dẫn đến thiếu số thuế phải nộp thì phạt vi phạm hành chính về hành vi khai sai: phạt 10% hoặc 20% theo từng thời kỳ. Đa số các đơn vị đang hiểu và thực hiện theo quan điểm này.

b. Quan điểm Giấy chứng nhận xuất xứ C/O có thể có những sai sót dẫn đến cơ quan hải quan từ chối không cho hưởng ưu đãi đặc biệt nhưng nếu xử phạt vi phạm hành chính hành vi khai sai hoặc gian lận phải xác định doanh nghiệp có hành vi khai sai xuất xứ hoặc gian lận về xuất xứ chứ không phải giấy chứng nhận xuất xứ có sai sót hoặc không phù hợp. Nhóm nghiên cứu thấy rằng đây mới là quan điểm đúng và đảm bảo về căn cứ pháp lý.

2.2.3. Thực trạng phương pháp, kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa nhập khẩu

a. Phương pháp thu thập thông tin xác định vi phạm và lựa chọn đối tượng kiểm tra chủ yếu là kiểm tra trực tiếp C/O mà không phải từ rà soát từ hệ thống do không có cơ sở dữ liệu C/O cập nhật trên hệ thống của ngành.

b. Kiểm tra xuất xứ: Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa mới chỉ chủ yếu là kiểm tra C/O đối với hàng hóa XNK và phát hiện ra các lỗi về hình thức, của giấy chứng nhận xuất xứ mà chưa thực hiện được việc kiểm tra xem lô hàng có đáp ứng được tiêu chí xuất xứ theo Hiệp định thương mại tự do quy định, do vậy chưa đánh giá được mức độ gian lận.

c. Trường hợp cơ quan Hải quan có nghi vấn về tính hợp lệ của chứng từ C/O nhưng chưa đủ cơ sở để từ chối, cơ quan hải quan tiến hành xác minh và căn cứ vào kết quả xác minh để quyết định việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

2.2.4. Thực trạng về cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa

Hiện tại, Bộ Công Thương (Vụ Xuất Nhập khẩu) là cơ quan đầu mối về xuất xứ hàng hóa, chủ trì và phối hợp với Tổng cục Hải quan tham gia đàm phán tại các nhóm làm việc về qui tắc xuất xứ trong các Ủy ban đàm phán thương mại thuộc các khu vực thương mại tự do (ATIGA, AIFTA, ACFTA, AANZFTA, AJEPA…), chịu trách nhiệm về việc sửa đổi, bổ sung về nội dung và ban hành các qui định về xuất xứ hàng hóa như qui tắc xuất xứ (ROO), quy chế cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa (OCP), Danh mục quy tắc cụ thể mặt ahngf (PSR) và các vấn đề liên quan khác.

Cơ quan Hải quan (Tổng cục Hải quan) và các đơn vị hải quan cửa khẩu là cơ quan thực thi thực hiện các văn bản hướng dẫn về xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương ban hành (thông tư và các công văn hướng dẫn khác). Trong quá trình thực hiện các văn bản này, nếu có vướng mắc phát sinh thực tế đối với hàng hóa nhập khẩu thì Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản lấy ý kiến tham gia của Bộ Công Thương hoặc tổ chức các buổi họp trao đổi thống nhất ý kiến để có cơ sở giải quyết các vướng mắc khi thực thi về xuất xứ hàng hóa.

Về phân cấp quản lý lĩnh vực xuất xứ hàng hóa của Cơ quan Hải quan thuộc trách nhiệm của Chi cục trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan.

2. 3. Đánh giá thực trạng kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

2.3.1. Những ưu điểm trong công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa NK

- Đã có văn bản quy định nội luật hóa cụ thể về thực hiện quy tắc xuất xứ theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

- Đã quy định đầu mối của Tổng cục Hải quan là Cục Giám sát quản lý (Có phòng chức năng đầu mối).

- Đã ban hành quy trình hướng dẫn thực hiện về kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa.

- Đã bắt đầu được Lãnh đạo các cấp quan tâm chỉ đạo kiểm tra đối với xuất xứ.

- Đã có số thu thuế ấn định qua công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa.

- Một số đơn vị đã chủ động thấy cần thiết đã chủ động đào tạo, tập huấn cho cán bộ của đơn vị mình kiến thức cơ bản về xuất xứ hàng hóa.

- Khi có vướng mắc chủ động trao đổi với các đơn vị liên quan.

- Cục KTSTQ và Cục GSQL đã chủ động phối hợp trao đổi ý kiến trong quá trình kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra.

2.3.2. Một số tồn tại trong công tác KTSTQ về xuất xứ hàng hóa NK

a) Về thu thập thông tin đối với dấu hiệu vi phạm

Trên cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan không cập nhật về C/O dẫn đến khó khăn khi thu thập các thông tin ban đầu để xác định sai phạm và đối tượng kiểm tra, cụ thể là:

- Không có tiêu chí riêng để tra cứu, kết xuất được lô hàng nào có C/O được hưởng ưu đãi đặc biệt (hiện tại chỉ tra cứu qua mã các biểu thuế từ đó suy luận có thể có C/O mà thôi).

- Không có bản quét C/O để đối chiếu, kiểm tra ngay trên hệ thống.

Việc thu thập thông tin dấu hiệu vi phạm chủ yếu thực hiện thông qua kiểm tra trực tiếp C/O mà không phải từ công tác rà soát, tra cứu, phát hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của ngành hoặc các nguồn thông tin khác (như thông tin tố giác của các tổ chức, cá nhân, thông tin từ các Hiệp hội, ngành nghề…).

b) Về kiểm tra xuất xứ hàng hóa

- Nhiều đơn vị chưa chú trọng đến kiểm tra lô hàng có đáp ứng tiêu chí xuất xứ do các nguyên nhân sau:

+ Việc kiểm tra xuất xứ là vấn đề rất khó, đặc biệt là kiểm tra về tiêu chí xuất xứ. Do vậy chưa thể đánh giá được tình trạng, mức độ gian lận qua xuất xứ hàng hóa.

+ Việc xác định hàm lượng xuất xứ hoặc nghi ngờ lô hàng không đáp ứng tiêu chí xuất xứ đòi hỏi nhiều kiến thức về ngành hàng, thị trường, quy trình sản xuất công nghệ, đặc điểm mặt hàng, đặc điểm địa lí có liên quan đến mặt hàng. Việc xác định hàm lượng khi có nghi ngờ rất phức tạp, phải xác định thông qua quá trình điều tra, xác minh.

+ Việc điều tra tại nước cấp C/O tại nơi sản xuất là rất phức tạp, tập trung nguồn lực và kinh phí, mất rất nhiều thời gian nên các đơn vị thường e ngại và gặp khó khăn khi muốn triển khai, hầu như chưa được để ý. Đến nay mới có 01 vụ kiểm tra do Hải quan Đồng Nai thực hiện trong năm 2013 đem lại kết quả tốt, có ý nghĩa về kinh tế, chính trị được đưa vào phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam.

- Các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O tại nước xuất thường trả lời các trường hợp nghi vấn C/O của Việt Nam rất chậm (quá 06 tháng theo qui định tại các Hiệp định) làm ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp do phải nộp thuế suất theo mức ưu đãi (MFN) trong quá trình điều tra xác minhg tính hợp lệ của C/O.

- Việc kiểm tra các đơn vị địa phương về thực hiện kiểm tra xuất xứ hàng hóa XNK chỉ hạn định ở mức định kỳ và các vụ việc trọng điểm, không thường xuyên do số lượng cán bộ tại các cơ quan đầu ngành không đủ và phải giải quyết nhiều việc.

c) Về các quy định, cách thức xử lý

- Hiện nay, chưa có hướng dẫn chung hướng dẫn cụ thể việc xử lý các trường hợp vị phạm, lỗi vi phạm, sai phạm được ấn định ngay, trường hợp nào thì phải xác minh rồi mới ấn định, trường hợp được chấp nhận C/O.

- Hướng dẫn hiện nay chỉ xử lí nhỏ lẻ với từng trường hợp cụ thể, vì vậy chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc kiểm tra xử lí kết quả KTSTQ khi xử lí C/O.

- Các văn bản về mẫu dấu, chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O của các nước thông báo thường xuyên được cập nhật và thay đổi nên các đơn vị địa phương khó tổng hợp được đầy đủ để tra cứu chính xác về thời hạn hiệu lực của chữ ký. Ban hành dưới chế độ mật nên cán bộ khó tiếp cận và cập nhật nếu muốn.

- Các văn bản hướng dẫn và trả lời các trường hợp vướng mắc C/O của các đơn vị hải quan trong quá trình thực hiện chưa được tập trung lại thành một hệ thống quản lý và theo dõi theo lĩnh vực nên các cán bộ hải quan thực hiện khâu kiểm tra xuất xứ trong qui trình thông quan hàng hóa khó cập nhật và nghiên cứu các trường hợp phát sinh tại các đơn vị hải quan khác để thực hiện đúng đối với các trường hợp tương tự phát sinh tại đơn vị mình.

d) Về nguồn nhân lực

- Chưa đủ nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm tại các cơ quan hải quan đầu ngành để triển khai đầy đủ công tác KTSTQ, đặc biệt là KTSTQ về xuất xứ hàng hóa.

- Rất ít các lớp hướng dẫn về kỹ thuật kiểm tra mẫu C/O, cách phát hiện mẫu dấu và chữ ký giả được tổ chức nên các cán bộ tiếp nhận hồ sơ không có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện mẫu C/O hoặc con dấu trên C/O là giả hay thật nên dễ dẫn tới việc chấp nhận hầu hết các C/O do doanh nghiệp nộp cho cơ quan Hải quan.

- Do việc luân chuyển và điều động thay đổi cán bộ thường xuyên tại các đơn vị cửa khẩu nên các cán bộ có kinh nghiệm về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa tại các khâu tiếp nhận hồ sơ và kiểm hóa chuyển vị trí công tác thay vào đó là các cán bộ mới, chưa nắm được vững các kiến thức về xuất xứ nên việc phát hiện các trường hợp gian lận thương mại qua C/O là rất khó.

- Sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng chưa chặt chẽ. Một số hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng có quan điểm rằng kiểm tra xuất xứ là việc của cơ quan Hải quan. Hơn nữa, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp (thành viên) cũng nhập khẩu vì vậy khi có nhận định về khả năng gian lận xuất xứ cũng không phản ánh việc này với các cơ quan chức năng.

e) Về một số vấn đề khác

Mặc dù đã có hướng dẫn về quy trình kiểm tra và xác định xuất xứ hàng hóa tuy nhiên đây chỉ là quy định trong nội bộ ngành Hải quan, không đủ cơ sở pháp lý để công chức yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Ví dụ như các trường hợp nghi ngờ về việc đạt tiêu chí xuất xứ của hàng hóa, nhưng khi công chức yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các chứng từ chứng minh thì rất khó khăn và doanh nghiệp không hợp tác và vì quy định tại quy trình nên giá trị pháp lý yêu cầu doanh nghiệp thực hiện là không có.

2. 3.3. Nguyên nhân [Q3]

- Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về vấn đề này chưa thực sự cao, chưa tạo điều kiện động lực để hoạt động kiểm tra xuất xứ triển khai đồng bộ.

- Đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm chính chưa thể hiện, thực hiện tốt được vai trò của mình.

- Sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan về vấn đề xuất xứ chưa thực sự tốt.

- Cán bộ thực sự quan tâm nghiên cứu, học hỏi về vấn đề này không nhiều.

- Chưa có một tài liệu nào tổng hợp được các vấn đề xuất xứ để có thể giúp người cần nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh và dễ hiểu trong khi đây là vấn đề quá khó và phức tạp.

- Mô hình tổ chức, cách thức quản lý chưa thực sự hiệu quả và chặt chẽ.

- Chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung dẫn đến mỗi đơn vị dõi theo cách của mình, tốn nguồn lực, không hiệu quả, chưa đảm bảo chính xác và đầy đủ.

CHƯƠNG 3:

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA

SAU THÔNG QUAN VỀ XUẤT XỨ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

3.1. Quan điểm và phương hướng thực hiện kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời gian tới

3.1.1. Quan điểm

- Đối với các cấp Lãnh đạo: thì nhìn nhận được các ưu điểm, nhược điểm, tồn tại vướng mắc, hiểu rõ được các nguyên nhận và có các gợi ý giải pháp để thay đổi sao cho quản lý tốt hơn lĩnh vực xuất xứ nói chung và kiểm tra xuất xứ nói riêng.

- Đối với cán bộ trực tiếp thực hiện thì đây như là một cẩm nang tập hợp toàn bộ kiến thức pháp luật, lý luận cần thiết với ngôn ngữ và cách trình bày xúc tích dễ hiểu nhất để có thể học, nghiên cứu đồng thời có tình huống, kinh nghiệm thực tiễn và cách thức xử lý kết quả đối với các tình huống có thể xảy ra. Vậy tài liệu này giúp cho người học, người muốn tiếp cận rút ngắn thời gian nghiên cứu, dễ hiểu và hiểu sâu bản chất từ đó áp dụng ngay vào công việc của mình một cách chính xác hiệu quả và đúng quy định.

3.1.2. Phương hướng

- Cần có sự quan tâm sát sao, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo tạo điều kiện động lực để cán bộ quan tâm nghiên cứu, học hỏi về vấn đề kiểm tra xuất xứ phát triển.

- Đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm chính phải thể hiện, thực hiện rất tốt được vai trò người nhạc trưởng trong lĩnh vực xuất xứ của của mình bằng cách tự nâng cao trình độ, quản lý khoa học, xử lý thống nhất với những nguyên tắc minh bạch rõ ràng.

- Sự phối hợp nhịp nhàng, thân thiện, nhanh chóng, gắn kết với nhau giữa các đơn vị có liên quan về vấn đề xuất xứ.

- Xây dựng tài liệu, đội ngũ chuyên gia đào tạo các vấn đề xuất xứ để có thể giúp người cần nghiên cứu có thể tiếp cận nhanh và dễ hiểu vì khi đây là vấn đề quá khó và phức tạp.

- Mô hình tổ chức, cách thức quản lý thực sự hiệu quả và chặt chẽ.

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung đảm bảo tra cứu hiệu quả, đảm bảo chính xác, đầy đủ đồng thời quản lý phân quyền sử dụng giám sát chặt chẽ.

Để cụ thể hóa và chi tiết hơn, nhóm nghiên cứu sẽ đi sâu từng nhóm giải pháp tại điểm 3.2 dưới đây.

3.2. Giải pháp tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

3.2.1. Nhóm giải pháp về cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cách thức quản lý và nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ

- Trước mắt cần tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ, lãnh đạo cho Phòng Giám quản 4 (C/O và sở hữu trí tuệ).

- Sau đó để đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn cần xem xét tách Phòng C/O và sở hữu trí tuệ trở thành Phòng C/O độc lập, chuyên quản.

- Thay đổi cách thức điều hành quản lý:

- Cần tăng cường số cán bộ công chức làm công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa.

- Rà soát, phân loại cán bộ công chức để hướng tới chuyên môn hóa theo từng lĩnh vực kiểm tra sau thông quan, cụ thể là vấn đề xuất xứ hàng hóa. Tùy theo năng lực yêu cầu công tác, tùy theo trình độ chuyên môn được đào tạo, bố trí công chức làm đúng năng lực chuyên môn của mình, tránh tình trạng thay đổi công việc quá nhanh chóng, tạo nên một bộ phận công chức việc gì cũng biết nhưng không giỏi bất kỳ một lĩnh vực nào.

3.2.2. Giải pháp về hoàn thiện thực hiện quy trình kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu

Để hoàn thiện công tác kiểm tra về xuất xứ hàng hóa thì giải pháp vô cùng quan trọng phải thực hiện đó là xây dựng quy trình kiểm tra đối với lĩnh vực xuất xứ đảm bảo trong từng bước của quy trình được thực hiện xuyên suốt từ khâu thông quan, đến sau thông quan đến điều tra tại nước ngoài sao cho đúng quy định, tránh chồng chéo, trùng lặp.

3.2.3. Nhóm giải pháp về công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ hàng hóa XNK

- Đẩy mạnh công tác cập nhật C/O điện tử đã cấp của các tổ chức cấp C/O của các nước trong khối ASEAN lên hệ thống dữ liệu một cửa quốc gia và ASEAN.

- Xây dựng một nội dung chuyên đề xuất xứ trên phần mềm quản lý công văn đi đến của Tổng cục hải quan để cập nhật thông tin về mẫu dấu, chữ ký, mẫu C/O của các quốc gia ngoài khối ASEAN, có phân quyền những user của cán bộ có liên quan đến xuất xứ hàng hóa có thể khai thác, truy cập cập nhật nội dung chi tiết.

- Qua hệ thống STQ01 hoặc báo cáo KTSTQ cũng cập nhật các sai phạm mới về C/O phát hiện qua công tác kiểm tra và như một kênh thông tin quan trọng để Cục KTSTQ có chỉ đạo và toàn lực lượng kiểm tra sau thông quan nắm bắt thông tin để thực hiện kiểm tra ngay để ngăn chặn kịp thời.

- Cập nhật thông tin của các C/O (quét bản ảnh C/O gốc) được hưởng ưu đãi đặc biệt lên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành hải quan để lực lượng KTSTQ tra cứu thông tin về các C/O được hưởng ưu đãi đặc biệt (Cần thiết đề nghị cập nhật lại từ năm 2014 thời điểm chạy hệ thống VNACCS đến nay).

Cán bộ làm công tác kiểm tra sau thông quan phải liên tục cập nhật văn bản quy định các hiệp định mới ký kết về các ưu đãi song phương đa phương về xuất xứ hàng hoá để từ đó tập trung đánh giá mức độ tin cậy lựa chọn dấu hiệu, rủi ro cao kiểm tra kịp thời, tránh gian lận diễn biến kéo dài. Ví dụ chúng ta đã ký kết tham gia vào hiệp định TPP, lực lượng KTSTQ cũng phải cập nhật ngay và dự đoán khả năng gian lận, một số hàng hoá của nước lân cận như trung quốc sẽ có những thủ đoạn giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước trong nhóm tham gia hiệp định TPP....

Xây dựng chương trình hợp tác với Hiệp hội ngành hàng, các phòng thí nghiệm và tổ chức giám định:

Từ thực tế là do không hoặc ít hiểu biết về mặt hàng, công nghệ sản xuất, năng lực sản xuất, giá thành sản phẩm, giá cả thị trường (thế giới, khu vực, nội địa) nên hải quan thường không tự phát hiện những rủi ro vi phạm về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa, lúng túng và phân vân khi xem xét, kết luận vụ việc. Do vậy, cần tranh thủ có được sự giúp đỡ từ phía các Hiệp hội ngành hàng, các phòng thí nghiệm, tổ chức giám định.

3.2.3.2. Giải pháp công nghệ hỗ trợ:

Về lâu dài cơ quan Hải quan cần phối hợp với Bộ Công thương, VCCI, các tổ chức cấp C/O trong nước để xây dựng Hệ thống phần mềm "Hệ thống dữ liệu quy định, quản lý cấp chứng nhận xuất xứ, kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu" được xây dựng trên cơ sở các giải pháp khoa học - công nghệ do nhóm đề tài tiến hành nghiên cứu, phát triển.

3.2.3.2.2. Đào tạo sử dụng phần mềm

Đào tạo cán bộ sao cho đáp ứng để sử dụng công nghệ hỗ trợ có hiệu quả nhất:

- Tư duy có định hướng trong xác định xuất xứ;

- Nắm vững phương pháp xác định xuất xứ;

- Thuần thục kỹ năng tra cứu;

- Cập nhật về mặt công nghệ, đáp ứng tốt các yêu cầu về tốc độ và sự tiện dụng, thân thiện với người sử dụng;

- Tiếp cận các tiêu chuẩn nghiệp vụ và quy định xác định xuất xứ của Tổ chức Hải quan Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới.

3.2.4. Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ nói riêng và xuất xứ nói chung

a. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật:

b. Xây dựng quy trình: Xây dựng quy trình kiểm tra xuất xứ xuyên suốt qua các bước từ cấp trước, thu thập thông tin, kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan, xác minh và điều tra...

c. Thực hiện tập huấn văn bản, đào tạo để cán bộ hiểu và áp dụng quy định pháp luật một cách thống nhất.

3.2.5. Giải pháp khác

Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin đối với các đơn vị trong và ngoài ngành

Tăng cường kiểm tra, xác minh về xuất xứ hàng hóa

Mở rộng tuyên truyền và tăng cường tính tuân thủ pháp luật tự nguyện trong cộng đồng doanh nghiệp .

Áp dụng quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra sau thông quan

3.2.6. Nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến Hiệp định TPP và EVFTA

Để có thể giải quyết những thách thức khi Hiệp định TPP và EVFTA có hiệu lực, công chức cần nắm rõ các quy định mới liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định TPP và EVFTA.

KẾT LUẬN

Ngành Hải quan đang trong quá trình hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với xu thế ngày càng cắt giảm thuế quan và ký kết với nhiều quốc gia ưu đãi thuế quan dựa trên xuất xứ hàng hóa đáp ứng tiêu chí đã ký kết. Trong xu thế mới với sự chênh lệch thuế suất lớn do xuất xứ hàng hóa từ các nước khác nhau thì sự gian lận, giả mạo xuất xứ sẽ không ngừng gia tăng và phức tạp về phương thức và thủ đoạn. Trong khi yêu cầu hiện đại hóa đòi hỏi chúng ta phải thông quan nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng doanh nghiệp tự khai báo tự chịu trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm. Vì vậy hoạt động kiểm tra xuất xứ của cơ quan hải quan sẽ phải đáp ứng được trước tình hình đó, đặt ra yêu cầu phải kiểm tra sau thông quan về xuất xứ trong tình hình mới sao cho hiệu quả.

Đề tài " Nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan về xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu" nhằm đánh giá tồn tại, phân tích nguyên nhân điểm yếu của thực trạng cộng tác kiểm tra sau thông quan từ đó đưa ra phương hướng giải pháp để nâng cao khả năng hiệu quả của công tác kiểm tra sau thông quan về xuất xứ với một tư duy mới về tổ chức bộ máy, về công tác quản lý phối hợp, ứng dụng công nghệ và tổ chức quy trình kiểm tra về xuất xứ hải quan theo hướng xây dựng một quy trình nghiệp vụ thống nhất xuyên suốt quá trình quản lý của hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trải quan các giai đoạn quản lý trước, trong và sau thông quan. Trong quy trình đó, mỗi giai đoạn quản lý có chức năng nhiệm vụ riêng, nhưng chúng được gắn kết với nhau thành một thể thống nhất, hữu cơ, kế thừa, hỗ trợ nhau.

Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả nghiên cứu này sẽ là một đề xuất tốt cho công tác xây dựng các văn bản pháp luật, văn bản nghiệp vụ Hải quan trong thời gian tới. Đồng thời giúp đỡ anh em đồng nghiệp có nhu cầu nghiên cứu về xuất xứ có tài liệu có giá trị để nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong công việc.

Nhóm nghiên cứu trân trọng cám ơn sự hợp tác, giúp đõ có hiệu quả của Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Giám sát quản lý ; Trường hải quan Việt nam, Viện Nghiên cứu Hải quan đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài.

Do hạn hẹp về thời gian và kinh phí, nội dung nghiên cứu có thể còn có chỗ chưa sâu, còn những thiếu sót, Nhóm nghiên cứu rất mong được sự góp ý xây dựng của các đồng nghiệp và các nhà chuyên môn, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để Đề tài được hoàn chỉnh hơn./.

https://www.haiquanvietnam.com/2022/04/nang-cao-nang-luc-kiem-tra-sau-thong-quan-ve-xuat-xu-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn