🚀 Premium⚡️

4405/CHQ-GSQL ngày 09/05/2025 Nhập khẩu cá tầm làm thực phẩm (Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp Bắc Hải Môn)

{getToc} $title={Xem nhanh}

4405/CHQ-GSQL ngày 09/05/2025

 Kính gửi: Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp Bắc Hải Môn. 

(Căn CB02-06, khu đô thị Catalan, Khối 8, Phường Đông Kinh, Thành phố Lạng Sơn, Tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam)

Trả lời công văn số 114/CV-TCHQ ngày 11/4/2025 của Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp Bắc Hải Môn về chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm, Cục Hải quan có ý kiến như sau:

I. Chính sách quản lý

1. Giấy phép CITES

Căn cứ Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Công ước CITES), Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước CITES (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/09/2021), Thông tư số 25/TB-CTVN ngày 17/2/2023 ban hành Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES thì cá tầm nhập khẩu phải có Giấy phép CITES gồm:

- Cá tầm Đại Tây dương (Acipenser brevirostrum) và Cá tầm Ban tích (Acipenser sturio) thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nhập khẩu không vì mục đích thương mại;

- Các loài cá tầm (trừ các loài quy định tại Phụ lục I) thuộc Phụ lục II của Công ước CITES.

2. Các loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam

Căn cứ khoản 2 Điều 27, khoản 4 Điều 98 Luật Thủy sản, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024) thì các loài cá tầm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Phụ lục IV Nghị định số 37/2024/NĐ-CP bao gồm: Cá tầm Beluga (Huso huso), Cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), Cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus), Cá tầm Trung Hoa (Acipenser sinensis), Cá tầm Xiberi (Acipenser baerii).

Trường hợp nhập khẩu giống cá tầm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm và cá tầm sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép.

3. Kiểm dịch động vật thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm

- Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPNT ngày 25/12/2018; Thông tư số 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022) thì cá tầm thuộc Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản phải kiểm dịch khi nhập khẩu.

- Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì cá tầm dùng làm thực phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.

II. Thủ tục hải quan đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu

Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT- BTC). Theo đó, khi làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng cá tầm làm thực phẩm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, ngoài các chứng từ chung theo quy định, doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan:

- Giấy phép CITES nhập khẩu được cấp bởi cơ quan quản lý CITES Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và Môi trường;

- Giấy chứng nhận kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm được cấp bởi Cục Chăn nuôi và Thú y – Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ngoài ra, từ tháng 03/2021 đến nay, căn cứ trên đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các lô cá tầm nhập khẩu đều phải lấy mẫu giám định để xác định chủng loại nhằm đảm bảo cá tầm nhập khẩu thuộc Danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và đúng với Giấy phép CITES được cấp.

Cục Hải quan có ý kiến để Công ty được biết.