Thủ tục hải quan đối với hàng hoá tạm nhập thực hiện dịch vụ sửa chữa
Customs
{getToc} $title={Xem nhanh}
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu
Tên
Lâm Quốc Việt
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
TTHQ
Tiêu đề
Thủ tục hải quan đối với hàng hoá tạm nhập thực hiện dịch vụ sửa chữa
Câu hỏi
Công ty chúng tôi có một hợp đồng với đối tác Campuchia. Công ty chúng tôi sẽ tạm nhập máy móc không thuộc hàng cấm của đối tác về để thực hiện dịch vụ sửa chữa. Sau khi sửa chữa xong sẽ xuất trả lại cho đối tác. Thoả thuận trên hợp đồng là giá dịch vụ sửa chữa. Qua tham khảo văn bản 1005/XNK-THCS ngày 4/9/2018 thì hoạt động này không phải là hoạt động gia công hay hoạt động tạm nhập tái xuất. Văn bản 830/TCHQ-GSQL ngày 01/2/2019 thì được lựa chọn thủ tục gia công giản đơn hoặc tạm nhập tái xuất khác. Như vậy, hoạt động của công ty chúng tôi có được là hoạt động tạm nhập tái xuất theo khoản 1 điều 15 Luật Ngoại thương hay không? Nếu là hoạt động tạm nhập tái xuất thì khi khai báo tờ khai có phải chịu thuế nhập khẩu theo Văn bản số 7622/TCHQ-TXNK ngày 21/11/2017 và chịu thuế gtgt hay không? Nếu không phải là hoạt động tạm nhập tái xuất, Công ty có được thực hiện gia công đơn giản hay không? Nếu không phải là hoạt động tạm nhập tái xuất, công ty không thực hiện theo gia công đơn giản thì thực hiện theo hình thức nào và chính sách thuế, chính sách mặt hàng áp dụng như thế nào? Về trị giá khai báo trên tờ khai có được khai báo theo giá thực hiện dịch vụ sửa chữa hay không vì hợp đồng chỉ thể hiện gia dịch vụ sửa chữa, công ty không có giá trị thực tế của máy?
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Văn bản liên quan
Đơn vị chức năng trả lời nội dung liên quan chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau: 1. Về thủ tục: Tổng cục Hải quan đã có công văn số 830/TCHQ-GSQL ngày 01/2/2019 hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hoạt động sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng có thu phí như sau: “Căn cứ các quy định về gia công hàng hóa, tạm nhập tái xuất khác theo quy định của pháp luật về thương mại và pháp luật về quản lý ngoại thương, cụ thể: Điều 178 Luật Thương mại về hoạt động gia công; Điều 15 về tạm nhập – tái xuất khác, Điều 38 đến Điều 46 về hoạt động gia công tại nghị định số 69/2018/NĐ-CP; Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ về gia công, chế biến giản đơn; công văn số 1948/BCT-XNK ngày 12/3/2008 của Bộ Công Thương (gửi kèm) và thực tế hoạt động thương mại phát sinh để hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn thực hiện thủ tục theo loại hình gia công giản đơn hoặc tạm nhập – tái xuất khác.
Trường hợp thực hiện theo hoạt động gia công thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hện thông báo cơ sở sản xuất, thông báo hợp đồng gia công trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên và thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định của hoạt động gia công cho thương nhân nước ngoài.”
- Trường hợp thực hiện theo thủ tục tạm nhập, tái xuất thì phải đáp ứng quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý ngoại thương, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ: “1. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; …tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam” 2. Về thuế: Căn cứ Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định về đối tượng chịu thuế;
Căn cứ khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021) quy định về miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu;
Căn cứ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; khoản 2 Điều 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định về miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định;
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12; Điều 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng;
Căn cứ Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 103/2016/QH13); Điều 3 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo các quy định nêu trên thì:
(1) Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu; Hàng hóa dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
(2) Hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
(3) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế; Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đề nghị Công ty nghiên cứu kỹ các quy định dẫn trên để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục để được giải đáp và việc giải quyết theo thẩm quyền.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!