Dán nhãn hàng hóa
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu | |
Tên | LE KHAC HO |
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ | |
Lĩnh vực | Nhập khẩu hàng hoá |
Tiêu đề | Vv dán nhãn hàng hóa |
Câu hỏi | Tôi có mua hàng trên web ebay về sử dụng cho mục đích cá nhân và được người bán gửi hàng qua hệ thống bưu điện EMS. Sau khi hàng về Việt Nam tôi có ủy quyền cho EMS thông quan nhưng bên Hải quan thông báo: Hàng hóa thuộc danh mục sản phẩm có yêu cầu đăng ký dãn nhãn hàng hóa để làm thủ tục nhập khẩu. Tôi đã tìm hiểu nhưng không biết thực hiện quy trình này như thế nào, đề nghị cơ quan hỗ trợ hướng dẫn |
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời | |
Đơn vị phụ trách | |
Văn bản liên quan | |
Ban GSQL về Hải quan - Cục Hải quan trả lời: 1. Về thủ tục hải quan: Hàng của bạn là hàng gửi qua hệ thống bưu điện EMS, đối với hàng hoá gửi qua dịch vụ hệ thống bưu điện EMS được thực hiện tại : - Thông tư số 49/2015/TT-BTC ngày 14/4/2015 quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định; - Thông tư số 191/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế - Thông tư số 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/20195 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 49/2015/tt-btc ngày 14 tháng 4 năm 2015 quy định thủ tục hải quan đối với thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp được chỉ định và thông tư số 191/2015/tt-btc ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. 2. Về ghi nhãn: * Hàng hóa cần thực hiện ghi nhãn: Căn cứ Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 thì: “1. Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 2. Những loại hàng hóa sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này: a) Bất động sản; b) Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba; c) Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; d) Hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá; đ) Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; e) Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh), vật liệu xây dựng không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng; g) Hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec; h) Hàng hóa đã qua sử dụng; i) Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không. 3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.” * Trường hợp hàng hóa nhập khẩu cần thực hiện ghi nhãn: Căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: “a) Tên hàng hóa; b) Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài. c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa; c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.” Đề nghị người khai hải quan căn cứ vào các quy định nêu trên và thực tế hàng hóa nhập khẩu để thực hiện. Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị người khai hải quan liên hệ Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để được hướng dẫn, xử lý./. Cục GSQL về Hải quan trả lời bạn nội dung trên để biết và thực hiện./. |