Thủ tục bán phế liệu là hàng hóa gồm bao bì, pallet, nilon mút xốp đóng gói hàng nhập khẩu miễn thuế
Customs
{getToc} $title={Xem nhanh}
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu
Tên
Công ty PNS Chun
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
GC
Tiêu đề
Thủ tục bán phế liệu là hàng hóa gồm bao bì, pallet, nilon mút xốp đóng gói hàng nhập khẩu miễn thuế
Câu hỏi
Kính gửi: Ban biên tập Công ty tôi nhập khẩu nguyên liệu theo loại hình E21 để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Phần bao bì Carton, màng quấn,mút xốp, Pallet đi theo đóng hàng nhập khẩu đó thì công ty chúng tôi không dùng trong sản xuất spxk. Vậy công ty chúng tôi bán các loại bao bì đóng gói đó cho doanh nghiệp thu gom rác thì có phải mở tờ khai không? Ở đây, chúng tôi chỉ bán bao bì đóng gói nguyên liệu nhập khẩu chứ không hề bán nguyên liệu hoặc nguyên liệu hỏng. Mong ban biên tập sớm phản hồi. Xin cảm ơn.
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Văn bản liên quan
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau:
Thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế thải, phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn được quy định tại Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính. Theo đó: 1. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện, tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc thực hiện các thủ tục giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn và sản phẩm gia công theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với phế thải, tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.
Hết thời hạn nêu trên, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục quyết toán thực hiện lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định.
2. Các hình thức xử lý
Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và nội dung thoả thuận trong hợp đồng gia công, việc xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công và sản phẩm gia công được thực hiện như sau:
a) Bán tại thị trường Việt Nam;
b) Xuất khẩu trả ra nước ngoài;
c) Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam;
d) Biếu, tặng tại Việt Nam;
đ) Tiêu hủy tại Việt Nam.
3. Thủ tục hải quan
a) Thủ tục hải quan bán, biếu tặng nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị thuê, mượn tại thị trường Việt Nam:
a.1) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là bên nhận gia công thì làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Điều 21 Thông tư này;
a.2) Trường hợp người mua, người được biếu tặng là tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo quy định tại Điều 86 Thông tư này.
b) Thủ tục xuất trả nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực thực hiện như thủ tục xuất trả ra nước ngoài theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và khoản 21 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
Thủ tục xuất trả máy móc, thiết bị tạm nhập ra nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực thực hiện như thủ tục xuất trả ra nước ngoài theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;
c) Thủ tục chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng gia công hoặc khi hợp đồng gia công kết thúc, hết hiệu lực, thực hiện theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này;
d) Tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:
d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá quá trình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân;
d.3) Cơ quan hải quan thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trừ trường hợp nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị tiêu hủy có trị giá dưới 1.000.000 đồng hoặc số tiền thuế dưới 50.000 đồng.
d.4) Trường hợp cơ quan hải quan giám sát trực tiếp việc tiêu hủy, khi kết thúc tiêu hủy, các bên tiến hành lập biên bản xác nhận việc tiêu hủy.
Riêng đối với tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp ưu tiên, cơ quan hải quan không thực hiện việc giám sát.”
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định dẫn trên, đối chiếu với thực tế hàng hóa để thực hiện thủ tục hải quan theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp còn vướng mắc phát sinh Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!