Vướng mắc hàng tái nhập tái chế thành mã sản phẩm mới để xuất bán
Customs
{getToc} $title={Xem nhanh}
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu
Tên
Công ty TNHH AAC Technologies
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
DNCX
Tiêu đề
Vướng mắc hàng tái nhập tái chế thành mã sản phẩm mới để xuất bán
Câu hỏi
Công ty TNHH AAC Technologies là DNCX tại KCN Quế Võ chuyên sản xuất về linh kiện điện tử. Công ty sản xuất (SX) sản phẩm (SP) A đã xuất cho đối tác ở nước ngoài. Tuy nhiên SP A bị lỗi và chúng tôi đã nhập theo loại hình G13 (tạm nhập miễn thuế) để sửa chữa. Sau đó đối tác nước ngoài thông báo tiếp SP A hiện bên họ không còn nhu cầu mua nữa, nên chúng tôi có hướng sẽ cải tạo thành SP B để xuất cho chính đối tác đó. Vậy kính mong Quý cơ quan tư vấn giúp: Chúng tôi có được phép cải tạo SP A thành SP B không, và thủ tục Hải quan cần thực hiện như thế nào để đối trừ được tờ khai nhập G13 SP A ban đầu ? Trường hợp không được phép tái xuất theo SP B, Công ty chúng tôi làm chuyển đổi mục đích sử dụng và đóng thuế cho SP A, sau đó cải tạo thành SP B và xuất bán cho đối tác trên thì Công ty chúng tôi có được làm hoàn thuế không ?
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Văn bản liên quan
Các đơn vị chức năng hỗ trợ DN nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Trả lời câu hỏi của Công ty, Bộ phận tư vấn của Ban biên tập có ý kiến trao đổi như sau để Công ty tham khảo:
- Khoản 1 Điều 29 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định:
“Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.”
Như vậy, trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không đáp ứng quy định nêu trên thì không được coi là hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
- Khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định:
“Hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới.
Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”.
Thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính như sau:
“1. Nguyên tắc thực hiện
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;
b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới;
c) Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa;
d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
2. Trách nhiệm của người khai hải quan
a) Khai và nộp bộ hồ sơ hải quan qua hệ thống, gồm:
....
b) Đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức tái xuất: Người nộp thuế phải kê khai theo quy định tại điểm a khoản này, nhưng không phải nộp thuế;
c) Đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng bằng hình thức chuyển nhượng cho đối tượng thuộc diện không chịu thuế, miễn thuế: Người nhận chuyển nhượng phải kê khai theo quy định tại điểm a khoản này, nhưng không phải nộp thuế.
…;
d) Trường hợp người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế với cơ quan hải quan, nếu cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác kiểm tra, phát hiện thì người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu ban đầu, nộp tiền chậm nộp và bị xử lý theo quy định hiện hành”.
Về thuế: - Căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế;
- Căn cứ Điều 13 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.
Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế.
Căn cứ khoản 5 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của chính phủ quy định hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này. Khi làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ đối với hàng hóa quy định tại Điều này, ngoài hồ sơ miễn thuế theo quy định tại ĐIều 31 Nghị định này, người xuất khẩu tại chỗ phải nộp thêm văn bản chỉ định giao hàng hóa tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (01 bản chụp).
Theo hướng dẫn tại công văn số 1478/TCHQ-GSQL ngày 26/4/2022 của Tổng cục Hải quan (mục II.4): “Hàng hóa tạm nhập chỉ có 02 hình thức xử lý: tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa nếu không thực hiện tái xuất. Trường hợp tạm nhập thay đổi mục đích sử dụng (Chuyển sang các chế độ quản lý hải quan khác) mà không phải tiêu thụ nội địa thì phải thanh khoản tờ khai tạm nhập bằng việc tờ khai tái xuất sau đó khai khai tờ khai nhập khẩu theo mục đích sử dụng mới để theo dõi quản lý tiếp…”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp tạm nhập miễn thuế hang hóa để sửa chữa, sau khi sửa chữa hàng hóa đã thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản so với khi tạm nhập thì hàng hóa này không đủ điều kiện tạm nhập tái xuất miễn thuế theo quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Trường hợp doanh nghiệp không tái xuất hàng hóa nhập khẩu thì thực hiện khai báo thay đổi mục đích sử dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Việc khai báo tờ khai hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 1478/TCHQ-GSQL ngày 26/4/2022 của Tổng cục Hải quan.
Đề nghị Công ty căn cứ quy định dẫn trên và thực tế hoạt động của Công ty để thực hiện đúng quy định, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc thì liên hệ với Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai để được hướng dẫn.
Bộ phận tư vấn của Ban biên tập thông báo để Công ty biết./.
Trân trọng!