Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

Chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu

{toc} $title={Xem nhanh}

Hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Luật phí và lệ phí không quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu. Cụ thể như sau:

1. Về thuế nhập khẩu

- Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA): Thực hiện theo các cam kết quốc tế, trong khuôn khổ một số FTA (1), mức thuế suất FTA đối với xăng dầu đang thực hiện ở Việt Nam là 8% đối với xăng và 0% đối với dầu, đảm bảo theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế theo các FTA (2).

- Đối với thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ quy định mức thuế suất MFN đối với xăng hiện nay là 20%; đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%. 

Việc điều hành mức thuế suất MFN hiện nay còn chịu sự ràng buộc bởi Bản Thoả thuận cam kết và Bảo lãnh của Chính phủ (GGU) đối với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Chính phủ đang điều hành mức thuế suất MFN cao hơn mức 7% đối với mặt hàng xăng dầu (cụ thể mức thuế nhập khẩu MFN đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 20% và dầu là 7%) để tránh phát sinh nghĩa vụ phải bù giá do chênh lệch giữa mức thuế suất MFN với mức 7% đã cam kết đối với sản phẩm lọc dầu của NSRP. 

So với trước đây, từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước thì tỷ trọng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu đã giảm đáng kể. Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu đến từ các quốc gia đã ký kết các Hiệp định thành lập khu vực mậu dịch tự do với nước ta (Hàn Quốc, các nước ASEAN,...) theo mức thuế suất thuế FTA, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo mức thuế suất MFN của nước ta hiện nay là không đáng kể.

2. Về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)

Thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). 

Theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc quy định mức thuế suất thuế TTĐB thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. 

3. Về thuế giá trị gia tăng (GTGT)

Pháp luật thuế GTGT không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại. 

Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế suất thuế GTGT là 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT)

Thuế BVMT là sắc thuế gián thu đánh vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế BVMT là nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 quy định đối tượng chịu thuế và khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu như sau: Xăng, trừ etanol: 1.000 - 4.000 đồng/lít; Nhiên liệu bay: 1.000 - 3.000 đồng/lít; Dầu diesel: 500 - 2.000 đồng/lít; Dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn: 300 - 2.000 đồng/lít; Mỡ nhờn: 300 - 2.000 đồng/kg.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế BVMT giao UBTVQH căn cứ vào Biểu khung thuế để quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hoá chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hoá.

Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT, ngày 26/9/2018, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, trong đó quy định mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức trần trong khung thuế, trừ dầu hỏa. Cụ thể: mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg; riêng dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít).

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước bối cảnh dịch Covid-19, UBTVQH đã ban hành các Nghị quyết để giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2022, cụ thể: giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít) theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020; giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 1.500 đồng/lít) theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021.

Đồng thời, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 23/3/2022, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 để giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Gần đây, trong bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường trong nước và thế giới tiếp tục tăng và đứng ở mức cao, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết giảm mức thuế BVMT xuống bằng mức sàn trong Khung thuế BVMT quy định tại Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2022. Nghị quyết này có hiệu lực từ 11/7/2022. Cụ thể:

- Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. 

- Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. 

- Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. 

- Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. 

- Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. 

- Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít (đây là mức sàn trong khung mức thuế).

(1) ATIGA: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; VKFTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc; VN-EAEU FTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu; ACFTA: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

(2) Theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên thì xăng (bao gồm cả E5, E10) có mức thuế FTA theo Hiệp định ATIGA, VKFTA, CPTPP, VKFTA, VN-EAEU FTA là 8%; các Hiệp định khác như ACFTA là 20%.



https://www.haiquanvietnam.com/2022/07/chinh-sach-thue-doi-voi-mat-hang-xang-dau.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn