2344/TCHQ-TXNK ngày 16/06/2022 Chính sách đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải
2344/TCHQ-TXNK ngày 16/06/2022
Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã nhận được một số vướng mắc của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách ưu đãi về thuế xuất khấu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Về việc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Giai đoạn 1: Từ ngày 01/9/2016 (Nghị định 134/2016/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực) đến trước ngày 01/7/2019 (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực)
a) Quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu;
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục hoặc tiêu chí để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải;
b) Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 44 Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường quy định:
“Điều 44. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
...
2. Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này khi xuất khẩu.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục sản phẩm quy định tại Khoản 12 Phụ lục III Nghị định này”.
Căn cứ quy định tại khoản 12 Phụ lục III Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định hoạt động sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận thuộc danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ.
2. Giai đoạn 2: Từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2021 (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực)
a) Quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 19 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thuộc trường hợp được miễn thuế xuất khẩu;
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì căn cứ để xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Căn cứ khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường. Trong đó tại khoản 3 Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung như sau: “Sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) quy định tại khoản 12 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải”.
Căn cứ khoản 12 Phụ lục III Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định: hoạt động sản xuất sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) thuộc Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ.
Căn cứ khoản 32 Điều 3 Nghị định 38/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 quy định: “Cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải là cơ sở hoạt động phù hợp với chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư, văn bản đăng ký đầu tư và các giấy tờ khác tương đương; có nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ được sử dụng cho hoạt động tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải (bao gồm các loại chất thải: sinh hoạt, công nghiệp thông thường, y tế thông thường) đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
c) Quy định pháp luật về thủ tục, hồ sơ miễn thuế xuất khẩu theo quy định tại: Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 23/5/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018; điểm c.2 khoản 1 Điều 14 Thông tư 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021.
Để đảm bảo việc xử lý miễn thuế thống nhất, đúng quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
Tổ chức thực hiện kiểm tra sau thông quan toàn bộ các lô hàng xuất khẩu là sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải trong 02 giai đoạn nêu trên. Thực hiện truy thu thuế xuất khẩu đối với các trường hợp đã miễn thuế không đúng quy định.
Trong đó lưu ý:
(i) Căn cứ các quy định pháp luật trong giai đoạn 1 nêu trên thì việc xác định sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được miễn thuế xuất khẩu thực theo Danh mục hoặc tiêu chí do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường không ban hành Danh mục hoặc tiêu chí theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và khoản 3 Điều 44 Nghị định 19/2015/NĐ-CP nên cơ quan hải quan không có căn cứ để xem xét xử lý miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải trong giai đoạn này.
(ii) Căn cứ các quy định trong giai đoạn 2 nêu trên thì tiêu chí để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu căn cứ theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP: “Sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại) quy định tại khoản 12 Phụ lục 111 Mục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này là các sản phẩm đã được nêu trong dự án đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải". Hồ sơ miễn thuế thực hiện theo quy định tại điểm c.2 khoản 1 Điều 14 Thông tư 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021. Do đó, cần lưu ý:
- Sản phẩm xuất khẩu phải được nêu trong dự án đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019;
- Sản phẩm tái chế xử lý chất thải xuất khẩu phải được sản xuất trong thời gian Giấy phép xử lý chất thải, Dự án đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ sở xử lý chất thải còn hiệu lực.
- Khối lượng sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ bán trong nước (nếu có) thực tế phải phù hợp với năng lực, công suất sản xuất của cơ sở xử lý chất thải nêu tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại của Bộ tài nguyên & Môi trường và các tài liệu khác có liên quan;
- Đối với phần nguyên liệu pha phối trong sản phẩm xuất khẩu, không có nguồn gốc từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải thì doanh nghiệp thực hiện hoạch toán riêng. Doanh nghiệp thực hiện kê khai số lượng hàng hóa xuất khấu tương ứng với số lượng nguyên liệu không có nguồn gốc từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu để nộp thuế xuất khẩu;
- Hiện nay không có quy định pháp luật về ưu đãi miễn thuế xuất khẩu đối với trường hợp Doanh nghiệp mua lại sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải của cơ sở được phép tái chế, xử lý chất thải khác để xuất khẩu.
3. Báo cáo, thống kê số liệu
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra sau thông quan theo điểm 1 và 2 nêu trên. Trong đó nêu rõ lý do ấn định, truy thu (nếu có) và lập Bảng thống kê số liệu theo mẫu đính kèm, gửi về Tổng cục Hải quan trước ngày 31/7/2022.
Tổng cục Hải quan có ý kiến để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và khẩn trương thực hiện. Trường hợp có vướng mắc thì báo cáo, kèm đề xuất và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để xem xét hướng dẫn thực hiện.
Văn bản gốc