Hỏi về thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với các trường hợp giao dịch của Doanh nghiệp chế xuất (EPE)
Customs
{getToc} $title={Xem nhanh}
Thông tin đơn vị gửi yêu cầu
Tên
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ BẢO HỘ KANGLONGDA VIỆT NAM
Câu hỏi yêu cầu tư vấn - hỗ trợ
Lĩnh vực
Tư vấn chính sách pháp luật Quảng Bình
Tiêu đề
Hỏi về thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với các trường hợp giao dịch của Doanh nghiệp chế xuất (EPE)
Câu hỏi
Kính gửi: Tổng cục Hải quan Căn cứ các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động của Doanh nghiệp chế xuất (EPE), nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật về thủ tục hải quan và chính sách thuế, chúng tôi CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ BẢO HỘ KANGLONGDA VIỆT NAM kính đề nghị Quý Tổng Cục hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến các tình huống sau: 1. Doanh nghiệp EPE bán thành phẩm loại 1 và loại 2 cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam và hàng hóa được tiêu thụ hoàn toàn trong nước. → Đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan và chính sách thuế GTGT, thuế NK (nếu có) trong trường hợp này. 2. Doanh nghiệp EPE bán cho DN nội địa Việt Nam, sau đó DN nội địa thực hiện xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. (không quan tâm đến mối liên hệ giữ DN nội địa Việt Nam và DN nước ngoài) → Trong trường hợp này, đề nghị làm rõ trách nhiệm làm thủ tục hải quan và chính sách thuế áp dụng cho từng bên. 3. Doanh nghiệp EPE gia công hàng hóa theo hợp đồng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam và sản phẩm tiêu thụ hoàn toàn trong nước. → Đề nghị làm rõ chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT và trách nhiệm làm thủ tục hải quan của các bên. 4. Doanh nghiệp EPE gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, nguyên vật liệu được nhận từ khu phi thuế quan. → Đề nghị hướng dẫn thủ tục nhập/xuất và chính sách thuế áp dụng. 5. Doanh nghiệp EPE gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nguyên vật liệu được cung cấp bởi công ty con của DN nước ngoài tại Việt Nam. → Xin hướng dẫn chính sách thuế và thủ tục hải quan trong trường hợp giao nhận nội địa. 6. Doanh nghiệp EPE nhận đơn hàng từ DN nước ngoài nhưng thực hiện bán tại chỗ theo chỉ định, giao hàng cho DN nội địa, bên thanh toán là DN nước ngoài bằng ngoại tệ. → Đề nghị làm rõ cách xử lý về thủ tục hải quan, chính sách thuế, cũng như quy định liên quan đến hình thức thanh toán này. Ngoài ra, nếu là hàng hóa tiêu thụ nội địa, bao gồm hàng chính phẩm hoặc hàng loại hai, liệu có cần phải bổ sung phạm vi kinh doanh nội địa vào giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không? Kính mong Quý Tổng Cục xem xét và có ý kiến phản hồi để doanh nghiệp chúng tôi thực hiện đúng quy định. Trân trọng cảm ơn!
Nội dung tư vấn - hỗ trợ - trả lời
Đơn vị phụ trách
Văn bản liên quan
Đơn vị chức năng trả lời nội dung liên quan chức năng của đơn vị.
Căn cứ Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 của Quốc hội, Điều 2 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định về đối tượng chịu thuế:
“1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào thị trường trong nước.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
4. Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định của pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư”
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 3/6/3008 của Quốc hội quy định:
“Hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”
Căn cứ Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, (được sửa đổi, bổ sung tại Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13), Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ quy định:
“1. Hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, gồm:
a) Nguyên liệu, bán thành phẩm, vật tư (bao gồm cả vật tư làm bao bì hoặc bao bì để đóng gói sản phẩm xuất khẩu), linh kiện nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm xuất khẩu hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hóa, bao gồm cả trường hợp bên nhận gia công tự nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện hợp đồng gia công;
b) Hàng hóa nhập khẩu không sử dụng để mua bán, trao đổi hoặc tiêu dùng mà chỉ dùng làm hàng mẫu;
c) Máy móc, thiết bị nhập khẩu được thỏa thuận trong hợp đồng gia công để thực hiện gia công;
d) Sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công hoặc đóng chung với sản phẩm gia công thành mặt hàng đồng bộ và xuất khẩu ra nước ngoài được thể hiện trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công và được quản lý như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công;
đ) Linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để bảo hành cho sản phẩm gia công xuất khẩu được thể hiện trong hợp đồng gia công hoặc phụ lục hợp đồng gia công và được quản lý như nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công;
e) Hàng hóa nhập khẩu để gia công nhưng được phép tiêu hủy tại Việt Nam và thực tế đã tiêu hủy.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công được sử dụng làm quà biếu, quà tặng thì thực hiện miễn thuế theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công, hàng nhập khẩu để gia công không sử dụng phải tái xuất. Trường hợp không tái xuất phải kê khai nộp thuế theo quy định;g) Sản phẩm gia công xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, xuất khẩu tại chỗ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo chỉ định của bên đặt gia công.
Sản phẩm gia công xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu theo quy định tại điểm này nếu sản phẩm được gia công từ toàn bộ hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu phải nộp thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư.”
Do doanh nghiệp cung cấp thông tin chưa đầy đủ, cơ quan hải quan không thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Đề nghị bạn đọc căn cứ quy định nêu trên, đối chiếu với tình hình thực tế để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, Đề nghị doanh nghiệp liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan để được hướng dẫn cụ thể.