Công ty Trương Việt Logistics cung cấp dịch vụ: Cước vận chuyển quốc tế, Trucking, Thủ tục Hải quan, Đại lý khai hải quan, Giấy phép các loại.
Liên hệ: 0937 639 365 - Mr. Việt, email: david@truongvietlogistics.com

Hệ thống các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ về công tác trị giá hải quan

{toc} $title={Xem nhanh}

 Hiệp định xác định trị giá hải quan được GATT đưa vào thực hiện năm 1981 và WTO chuyển hóa thành văn kiện bắt buộc năm 1994. Với tư cách là thành viên WTO, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ Hiệp định trị giá hải quan. Theo đó, Việt Nam đã tổ chức chuyển hóa toàn bộ nội dung của Hiệp định vào văn bản pháp luật quốc gia, gồm:

1. Cấp văn bản luật:

- Hệ thống luật pháp về hải quan:

Luật Hải quan: Điều 86 – xác định trị giá hải quan, Điều 17 – áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan, trong đó có kiểm tra trị giá hải quan, Điều 21 và Điều 32 – kê khai và kiểm tra hải quan, bao gồm kiểm tra trị giá hải quan, khi làm thủ tục hải quan, Điều 24 – hồ sơ hải quan, bao gồm hồ sơ liên quan đến việc xác định trị giá hải quan và kiểm tra xác định trị giá hải quan, Điều 28 – thủ tục xác định trước trị giá hải quan, các điều từ Điều 77 đến Điều 82 – kiểm tra sau thông quan, bao gồm kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan, các điều từ Điều 87 đến Điều 89, các điều từ Điều 93 đến Điều 96 – thu thập, lưu trữ cơ sở dữ liệu hải quan, trong đó có dữ liệu về trị giá hải quan, xác minh thông tin, áp dụng vào xác minh thông tin liên quan đến quản lý trị giá hải quan.

- Hệ thống luật pháp về thuế: 

+ Điều 8 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định về trị giá tính thuế, thời điểm tính thuế: 

+ Điều 6 Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm; 

+ Điều 8 Luật Thuế Giá trị gia tăng quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Hệ thống luật pháp về quản lý thuế: Điều 52 Luật Quản lý thuế quy định việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Cấp văn bản của Chính phủ (Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP): 

- Điều 20: nguyên tắc và phương pháp xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; cách xác định cửa khẩu nhập đầu tiên, cửa khẩu xuất. Trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định như sau:

+ Đối với hàng hóa xuất khẩu, trị giá hải quan là giá bán đến cửa khẩu xuất, không bao gồm chi phí vận tải quốc tế và chi phí bảo hiểm quốc tế, được xác định tuần tự theo 4 phương pháp cụ thể. Riêng trong phương pháp 1 hiện hành, trị giá hải quan được xác định bằng 3 cách thức, tùy thuộc vào điều kiện giao hàng hóa cho đối tác nước ngoài (gồm giao trong nước, giao tại biên giới/cửa khẩu và giao ở nước ngoài).

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu, trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, bao gồm chi phí vận tải quốc tế và chi phí bảo hiểm quốc tế (nếu có), được xác định tuần tự theo 6 phương pháp. Các phương pháp này được quy định trên cơ sở tuân thủ hoàn toàn Hiệp định trị giá GATT/WTO.

- Điều 21: kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan

- Điều 22: cơ sở dữ liệu về trị giá hải quan, theo đó cơ sở dữ liệu trị giá không được sử dụng để xác định trị giá hải quan.

- Điều 23, 24: quy định về xác định trước trị giá hải quan, cụ thể:

+ Người khai hải quan được quyền thực hiện thủ tục xác định trước trị giá hải quan để sử dụng khi kê khai cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 

+ Khi đề nghị xác định trước trị giá hải quan, người khai hải quan nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá đến Tổng cục Hải quan đề nghị xác định trước trị giá hoặc đề nghị xác định trước phương pháp xác định trị giá cho hàng hóa. 

+ Thủ tục xác định trước trị giá phải được thực hiện trong thời hạn ít nhất 90 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng.

+Văn bản thông báo kết quả xác định trước có giá trị pháp lý để cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu. Người khai hải quan căn cứ Thông báo xác định trước để áp dụng phương pháp xác định hoặc kê khai trị giá đã được xác định trước vào tờ khai hải quan của hàng hóa. Nhận được tờ khai hải quan có kết quả xác định trước, công chức hải quan đối chiếu với nội dung ghi trên Thông báo xác định trước để chấp nhận và không kiểm tra trị giá trong khi làm thủ tục hải quan.

3. Cấp văn bản của Bộ Tài chính:

- Thông tư của Bộ Tài chính về quản lý xác định trị giá hải quan (Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019):

+ Quy định cụ thể về xác định trị giá hải quan của hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu đã được quy định tại cấp Nghị định. 

+ Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, thông tư cũng quy định cụ thể phương pháp xác định trị giá hải quan của hàng hóa, như hàng hóa không có hợp đồng mua bán, không có hóa đơn thương mại, hàng hóa kê khai giá tạm tính, hàng hóa chuyển đổi mục đích sử dụng... Các phương pháp xác định trị giá hải quan riêng này, về bản chất vẫn tuân theo nguyên tắc chung, nhưng được quy định tách riêng để cơ quan hải quan dễ quản lý hơn, và người khai hải quan cũng dễ sử dụng hơn. 

+ Việc thu thập, trao đổi thông tin liên quan đến quản lý trị giá hải quan:

++ Cơ quan hải quan tiến hành thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý trị giá hải quan từ các nguồn khác nhau, chủ yếu là từ kê khai của doanh nghiệp và kết quả kiểm tra trị giá của công chức hải quan. 

++ Thông tin quản lý trị giá hải quan được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung của Ngành Hải quan (Hệ thống GTT02, Hệ thống STQ, Hệ thống Quản lý rủi ro) để sử dụng chung và lưu trữ thủ công bởi công chức hải quan tại các khâu nghiệp vụ cụ thể.

- Thông tư của Bộ Tài chính về kiểm tra trị giá hải quan (Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC): Điều 25 – kiểm tra trị giá hải quan (áp dụng trong khi làm thủ tục hải quan), Điều 142, Điều 143 - kiểm tra sau thông quan (áp dụng chung cho các loại kiểm tra sau thông quan, bao gồm cả kiểm tra về trị giá hải quan):

(i) Kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá trong quá trình làm thủ tục hải quan:

+ Trên cơ sở trị giá hải quan do người khai hải quan kê khai khi làm thủ tục hải quan và cảnh báo rủi ro của hệ thống thông quan điện tử, công chức hải quan tiến hành các thủ tục kiểm tra, tham vấn trị giá hải quan. 

+ Việc kiểm tra trị giá bao gồm các thao tác: xác định nghi vấn trị giá, xác định phương pháp kiểm tra (kiểm tra nhanh trước khi giải phóng hàng hoặc giải phóng hàng và tham vấn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan), thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ xác định trị giá do người khai hải quan xuất trình, quyết định bác bỏ hoặc không bác bỏ trị giá kê khai, xác định trị giá hải quan ấn định nếu bác bỏ trị giá kê khai, ban hành thông báo trị giá hải quan. 

+ Khi kiểm tra thông tin kê khai trị giá trên tờ khai hải quan và hồ sơ hải quan gửi kèm trên hệ thống, nếu cơ quan hải quan có đủ cơ sở bác bỏ ngay trị giá kê khai thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan của lô hàng, thông báo để người khai hải quan kê khai bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không kê khai bổ sung thì cơ quan hải quan ban hành quyết định ấn định thuế trên cơ sở trị giá hải quan do cơ quan hải quan đã xác định và thông báo. Nếu cơ quan hải quan chưa có cơ sở bác bỏ trị giá kê khai ngay thì tổ chức kiểm tra chi tiết trị giá hải quan trước khi giải phóng hàng theo giá kê khai và thực hiện tham vấn trị giá hải quan.

+ Khi tham vấn trị giá, nếu cơ quan hải quan có đủ cơ sở bác bỏ trị giá kê khai thì cơ quan hải quan cũng tạo điều kiện cho người khai hải quan kê khai bổ sung theo trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định. Trường hợp người khai hải quan không tham vấn, hoặc không kê khai bổ sung thì cơ quan hải quan mới ban hành quyết định ấn định thuế theo trị giá mà cơ quan hải quan đã xác định và thông báo. 

(ii) Tham vấn một lần, sử dụng kết quả nhiều lần: 

+ Hiện tại đã có quy định về việc tham vấn một lần và sử dụng kết quả nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế áp dụng của quy định này rất hạn chế, do thiếu các hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục ban hành thông báo, thủ tục áp dụng và kiểm soát áp dụng thông báo. 

+ Từ 29/4/2020 đến nay, Tổng cục Hải quan đang triển khai chương trình thí điểm hướng dẫn cụ thể thủ tục tham vấn một lần, sử dụng kết quả nhiều lần, nhưng hiệu quả rất thấp do điều kiện áp dụng hẹp, dẫn đến người khai hải quan đề nghị áp dung không nhiều . 

+ Theo chương trình thí điểm, đối tượng được sử dụng thông báo tham vấn môt lần phải là doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, có mức độ rủi ro thấp; một thông báo tham vấn một lần chỉ được áp dụng tối đa trong 6 tháng. 

(iii) Kiểm tra, xác định trị giá sau khi hàng hóa đã thông quan:

+ Kiểm tra trị giá hải quan là một nội dung quan trọng, được thực hiện theo dấu hiệu rủi ro và để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật hải quan. 

+ Quá trình thực hiện một cuộc kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan được quy định cùng với với quá trình thực hiện kiểm tra sau thông quan chung, gồm các bước: thu thập, xử lý thông tin; xác định đối tượng kiểm tra; ban hành quyết định kiểm tra; thực hiện thủ tục kiểm tra; xử lý kết quả kiểm tra. 

+ Cuộc kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan nói riêng và kiểm tra sau thông quan nói chung gồm 2 loại: kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan và kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp.

4. Quy trình nghiệp vụ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Việc quản lý trị giá hải quan hiện đang được thực thi tại các cấp, đơn vị hải quan trên cơ sở quy trình nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành. Hiện tại, có hai (02) quy trình nghiệp vụ cụ thể, trực tiếp hướng dẫn công tác kiểm tra trị giá hải quan trong khi làm thủ tục thông quan, xác định trị giá hải quan cho hàng hóa sau khi cơ quan hải quan bác bỏ trị giá kê khai khi làm thủ tục hải quan và quy định việc thu thập, cập nhật dữ liệu quản lý trị giá hải quan, xây dựng danh mục hàng hóa có rủi ro về trị giá hải quan và xây dựng danh sách doanh nghiệp có rủi ro về trị giá hải quan. Cụ thể: 

a) Quy trình hướng dẫn kiểm tra, xác định trị giá hải quan:

- Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành ngày 15/6/2018 hướng dẫn chi tiết từng bước nghiệp vụ để cán bộ công chức thực hiện việc kiểm tra, tham vấn, thu thập thông tin và xác định trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 

- Hiện không có quy trình hướng dẫn chi tiết việc kiểm tra trị giá sau thông quan, mà chỉ có hướng dẫn chung về quy trình thực hiện một cuộc kiểm tra sau thông quan và sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan. 

b) Quy trình xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về trị giá hải quan:

Quyết định số 1929/QĐ-TCHQ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành ngày 20/7/2020 hướng dẫn việc thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu trị giá hải quan, trách nhiệm đề xuất, ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro về trị giá đã quy định rõ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; các thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu trị giá hải quan được thu thập từ hoạt động nghiệp vụ hải quan như: thông tin hồ sơ hải quan của hàng hóa xuất nhập khẩu do người khai hải quan kê khai, thông tin kết quả kiểm tra trị giá hải quan, kết quả tham vấn trị giá hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm do cơ quan Hải quan thực hiện. Ngoài ra, thông tin hồ sơ DN xuất nhập khẩu hàng hóa, thông tin kết quả đánh giá mức độ rủi ro, mức độ chấp hành pháp luật của DN, thông tin Danh mục hàng hóa rủi ro về giá, danh sách các DN có rủi ro về trị giá góp phần tạo lập cơ sở dữ liệu trị giá hải quan.


https://www.haiquanvietnam.com/2023/09/he-thong-cac-quy-dinh-ve-cong-tac-tri-gia-hai-quan.html

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn