157/GSQL-GQ1 ngày 31/01/2024 Thủ tục hải quan và chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của đại lý bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài
157/GSQL-GQ1 ngày 31/01/2024
Kính gửi: Công ty TNHH FIDINAM (Việt Nam).
(Đ/c: Tầng 21, tòa nhà Vietcombank, số 5 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)
Trả lời công văn số 01/2023/FIVN ngày 12/12/2023 của Công ty TNHH FIDINAM (Việt Nam) (gọi tắt là Công ty) về thủ tục hải quan và chính sách thuế liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa của đại lý bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Tại công văn số 01/2023/FIVN, Công ty chưa có thông tin cụ thể về hàng hóa dự kiến nhập khẩu, không cung cấp các hồ sơ tài liệu có liên quan nên cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để hướng dẫn chi tiết đơn vị thực hiện. Theo đó, đề nghị Công ty nghiên cứu, tham khảo các quy định dưới đây:
1. Về thủ tục hải quan
a.1) Đối với hàng hóa nhập khẩu
- Về người khai hải quan:
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ thì người khai hải quan gồm:
“1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.
2. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.
3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.
4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa.
5. Đại lý làm thủ tục hải quan.
6. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.”
Căn cứ Phụ lục 2 Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội ngày 08/6/2020 thì: “Trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thì việc khai hải quan được thực hiện bởi đại lý làm thủ tục hải quan hoặc người đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có tên trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu.”
Theo đó, trường hợp thương nhân Việt Nam làm đại lý bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài đáp ứng các quy định về người khai hải quan nêu trên được phép khai báo hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu: thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Về mã loại hình đối với hàng hóa nhập khẩu: thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành mã loại hình xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng.
a.2) Đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất
Căn cứ quy định tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ, trường hợp xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) ra nước ngoài thì khi xuất khẩu sử dụng mã loại hình B13 – Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu.
Hồ sơ hải quan, thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 48 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
2. Về chính sách thuế
Hiện nay, chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu bị điều chỉnh bởi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng (gọi tắt là GTGT), cụ thể:
a) Về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế
- Đối tượng chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
- Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, không chịu thuế bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12.
- Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13).
- Đối tượng chịu thuế GTGT, không chịu thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13, khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế số 106/2016/QH13).
b) Về hoàn thuế
- Hoàn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu: thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
- Hoàn thuế bảo vệ môi trường: thực hiện theo quy định tại Điều 11 Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12.
- Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt, khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt: thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12.
- Hoàn thuế GTGT, khấu trừ thuế GTGT: thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 của Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13).
Đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định nêu trên, đối chiếu thực tế hàng hóa nhập khẩu, hồ sơ, chứng từ có liên quan, mục đích sử dụng khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, Công ty liên hệ Chi cục Hải quan nơi dự kiến đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty TNHH FIDINAM (Việt Nam) được biết.